Đang thực hiện
Tên đăng nhập
Mật khẩu
 
Quên mật khẩu
Tổng đài: 0936 320 777
0 Giỏ hàng của bạn
Vận chuyển toàn quốc

9 quan niệm sai lầm khi mang thai mà các mẹ bầu cần tránh

18/01/2019

9 quan niệm sai lầm khi mang thai mà các mẹ bầu cần tránh

Mang thai là thiên chức và cũng là trải nghiệm thú vị trong cuộc đời của người phụ nữ. Mỗi mẹ bầu đều luôn mang trong mình tâm thế háo hức đón chờ thiên thần nhỏ chào đời trong điều kiện tốt nhất. Bên cạnh việc trau dồi thêm cho mình những kiến thức và kỹ năng hữu ích để bé được chăm sóc một cách chu đáo thì không ít mẹ đi vào lối mòn của những quan niệm sai lệch, thiếu khoa học và vô tình gây hại cho cả mẹ và con. Theo dõi bài viết dưới đây để tránh những sai lầm không đáng có cho quá trình mang thai diễn ra thuận lợi mẹ nhé.

Ăn cho 2 người

9 quan niệm sai lầm khi mang thai mà các mẹ bầu cần tránh Ảnh 1
 
Nhầm tưởng đầu tiên phổ biến ở hầu hết các mẹ bầu đó là suy nghĩ rằng phải tăng chế độ ăn lên gấp đôi so với bình thường thì bé mới được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Song, trên thực tế, một chế độ dĩnh dưỡng khoa học với lượng thức ăn hợp lý mới chính là chìa khóa để bé được phát triển tốt nhất.

Việc ăn quá nhiều trong quá trình mang thai không chỉ khiến cơ thể người phụ nữ tăng cân không kiểm soát và gặp khó khăn trong việc phục hồi vóc dáng sau sinh mà quan trọng hơn thế, nó còn có thể làm tăng nguy cơ tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ và gặp khó khăn khi sinh nở.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng tại Viện Y học Mỹ, trong trường hợp mẹ bầu có chế độ ăn không bị ảnh hưởng bởi ốm nghén và có cân nặng hợp lý, cơ thể khỏe mạnh thì không cần tiêu thụ thêm lượng calo trong 3 tháng đầu thai kỳ. Thông thường nhu cầu năng lượng của phụ nữ trong ngày khoảng 2000 calo và khi mang thai nên tăng thêm 340 calo mỗi ngày trong 3 tháng giữa thai kỳ và khoảng 450 calo trong 3 tháng cuối. Và đặc biệt, bà bầu phải tập trung vào việc ăn uống lành mạnh thay vì ăn nhiều. Các chuyên gia khuyên bà bầu chỉ nên ăn vừa đủ và tăng từ 10-12kg trong thai kỳ.

Lưu ý rằng lượng calo tăng thêm nên được bổ sung từ sữa, các loại hạt, rau xanh và trái cây có trong các thực phẩm như: các loại sữa, vừng, cà rốt, rau chân vịt, cải bó xôi, súp lơ xanh, cải bẹ xanh hay cam, quýt, bưởi…có tác dụng giúp tăng sức đề kháng cho mẹ và bé.

Nhìn hình dáng bụng bầu để xác định giới tính thai nhi

Phụ nữ mang thai vẫn được truyền tai rằng những mẹ bầu có bụng gọn và thấp thường sẽ sinh con trai, còn bụng cao và tròn thì thường sinh con gái. Tuy nhiên, đây là quan niệm đã được hình thành từ rất lâu, khi mà khoa học và y học còn chưa phát triển. Do đó, quan niệm này không có căn cứ và mang tính dự đoán, may rủi.

Các chuyên gia sức khỏe cho biết, hình dạng bụng bầu chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố chính là kích thước và vị trí của thai trong tử cung. Trường hợp ngôi thai nằm dọc thì bụng sẽ có dáng dài và gọn, ngôi thai nằm ngang thì bụng sẽ có dạng tròn, ngôi thai nằm chéo về bên nào thì bụng sẽ có thiên hướng nghiêng về bên đó hơn.

Ngoài ra, hình dáng của thai nhi còn phụ thuộc vào độ cao và cơ bụng của mẹ bầu. Theo đó, đối với người mẹ có dáng người mảnh khảnh và cơ bụng săn chắc thì khi mang thai bụng sẽ nhô cao hơn do được cơ bụng nâng đỡ còn với người mẹ có dáng người hơi béo thì bụng thường tròn và không nhô cao.

Như vậy, hình dạng của bụng bầu hoàn toàn không phụ thuộc vào giới tính của thai nhi. Do đó, các sản phụ khi mang thai nên đi kiểm tra định kỳ thường xuyên để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi, đồng thời dự trù phương án sinh an toàn nhất.

Siêu âm nhiều không tốt cho thai

9 quan niệm sai lầm khi mang thai mà các mẹ bầu cần tránh Ảnh 2
 
Việc khám thai và siêu âm là điều hết sức cần thiết đối với mẹ bầu. Đây là cách mẹ có thể theo dõi quá trình phát triển của bé một cách khoa học và chính xác. Lời khuyên của các bác sĩ là phụ nữ mang thai nên siêu âm ít nhất 3 lần trong một thai kỳ, trong mỗi tam cá nguyệt (3 tháng thai kỳ).

Tuy nhiên, điều này lại gặp phải không ít ý kiến trái chiều cho rằng siêu âm có thể gây hại cho em bé trong bụng mẹ. Song, thực tế thì đây là quan niệm thiếu căn cứ và chưa được chứng minh bởi bất kỳ bằng chứng khoa học nào. Siêu âm sử dụng sóng âm thanh tần số cao nhưng không có bức xạ ion hóa và không gây hại giống như chụp X-quang. Do đó siêu âm đang được xem là cách thức để bác sĩ có thể loại trừ khả năng mang thai ngoài tử cung, xác định các bệnh lý có thể xảy ra cho thai nhi một cách an toàn và hiệu quả.

“Chuyện ấy” có thể làm bé bị tổn thương

Suy nghĩ sai lầm khi cho rằng phải kiêng làm “chuyện ấy” trong suốt thai kỳ đã khiến cho không ít cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc nuôi dưỡng tình cảm gia đình. Trước quan niệm “yêu” khi mang thai sẽ khiến mẹ bầu khó chịu và tăng nguy cơ gây co bóp tử cung, làm bé bị tổn thương thì các chuyên gia lại khuyên rằng nếu sức khỏe người mẹ hoàn toàn tốt và thai nhi phát triển theo đúng chuẩn thì việc quan hệ tình dục không có gì đáng lo ngại. Hơn thế, quan hệ trong giai đoạn này ngược lại còn còn đem lại rất nhiều lợi ích đối với người mẹ và thai nhi. Nó không chỉ giúp tăng cường mối liên kết giữa 2 vợ chồng, giảm căng thẳng, ổn định huyết áp mà còn ngăn ngừa tiền sản giật, giúp kích thích chuyển dạ, sinh nở dễ dàng.

Tuy vậy, khi quan hệ, cặp vợ chồng nên nhớ chọn tư thế an toàn cho mẹ bầu và mọi động tác cần phải nhẹ nhàng, tránh thô bạo và cũng không nên quan hệ trong thời gian quá lâu. Đặc biệt, quan hệ khi mang thai 3 tháng đầu và 3 tháng cuối cần phải rất cẩn thận trọng vì khi quan hệ không đúng cách trong những giai đoạn này có thể gây động thai hoặc sinh non cũng như những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Hông rộng dễ sinh

9 quan niệm sai lầm khi mang thai mà các mẹ bầu cần tránh Ảnh 3
 
Có nhiều người cho rằng phụ nữ hông to sẽ dễ dàng cho quá trình sinh nở. Hông to hơn phần lớn là do xương chậu. Nhưng trên thực tế, kích thước của xương chậu không liên quan gì đến kích thước của đường dẫn sinh.

Yếu tố quyết định ở đây là hình dáng và kích thước của lỗ tròn ở giữa xương chậu, hay còn gọi là khung xương chậu bên trong chứ không dựa vào hông to hay nhỏ. Đầu thai nhi phải lọt qua ba chỗ hẹp trong khung chậu mới ra ngoài được. Đó là eo trên, eo giữa và eo dưới. Thường những người có khung xương chậu rộng và nông thì sẽ dễ sinh tự nhiên hơn người xương chậu hẹp, sâu. Trong khi đó, với những người phụ nữ có mông to do thừa cân hay béo phì thì thậm chí còn dễ rơi vào tình huống khó sinh, gặp biến chứng trong lúc mang thai và sinh nở. Ngoài ra, các yếu tố quyết định người mẹ sinh khó hoặc dễ còn phụ thuộc vào sức khỏe của mẹ và bé.

Vì thế, dù thai phụ có phần hông rộng hay hẹp thì vào những tháng cuối thai kỳ, dưới tác dụng của một số hormone, các sụn và dây chằng của vùng chậu sẽ mềm mại và giãn ra nên khung chậu đàn hồi hơn, không cứng như bình thường. Điều này làm khung chậu có khả năng kéo giãn và mở ra dễ dàng lúc sinh. Nhờ đó mà quá trình sinh nở diễn ra dễ dàng và thuận lợi hơn.

Thai nghén chỉ xảy ra trong 3 tháng đầu

Ốm nghén là tình trạng phổ biến ở hầu hết phụ nữ mang thai. Cơ thể mệt mỏi kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn là những dấu hiệu điển hình thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai bị ốm nghén. Theo thống kê có đến 70% chị em chị buồn nôn trong giai đoạn đầu mang thai, 50% chị em nôn mửa.

Chúng ta thường thấy bà bầu nghén trong giai đoạn 3 tháng đầu. Tuy nhiên thực tế có tới 20% bà bầu phải chịu tình trạng này kéo dài cho tới khi sinh. Thông thường, sau khi kết thúc tam cá nguyệt thứ nhất, đa số mẹ bầu ốm nghén sẽ bắt đầu cảm thấy khỏe khoắn dần và có thể chấm dứt hẳn cơn ốm nghén. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bà bầu tiếp tục chiến đấu với tình trạng ốm nghén đến tháng thứ 5, thứ 6, thậm chí là đến khi sinh nở.

Tùy theo cơ địa của từng người mà mức độ có thể nặng hoặc nhẹ, thời gian có thể ngắn hoặc dài. Có một số người sẽ trải qua giai đoạn này rất nhẹ nhàng, nhưng lại có những người cảm thấy cơ thể mệt mỏi và sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cơ thể sút cân nhanh chóng do bị mất nước và thiếu hụt dinh dưỡng.

Hạn chế vận động

Hạn chế vận động hay không tập thể dục trong giai đoạn mang thai là quan niệm sai lầm không chỉ khiến cơ thể mẹ bầu ì ạch, nặng nề mà còn dẫn đến khó sinh về sau. Đối với những thai phụ khỏe mạnh và không gặp các vấn đề về tiền sản thì nên duy trì đều đặn việc tập thể dục với các bài tập có động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển, vừa với sức của mình. Mỗi ngày bà bầu chỉ cần dành khoảng 20 – 30 phút đi bộ, ngoài ra có thể bơi lội hoặc tham gia các bài tập yoga. Nếu mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, đuối sức hoặc căng thẳng, hay nghiêm trọng hơn là tình trạng ra máu, các mẹ nhanh chóng ngừng tập ngay và tìm kiếm lời khuyên của các chuyên gia.

Vận động thường xuyên còn giúp mẹ thêm khỏe mạnh, duy trì vóc dáng cho mẹ và đặc biệt tốt cho sự phát triển thai nhi. Tuy nhiên các mẹ nên tham khảo ý kiến các bác sĩ để chọn bài tập phù hợp nhất.

Ăn cay nóng gây sinh non

9 quan niệm sai lầm khi mang thai mà các mẹ bầu cần tránh Ảnh 4
 
Cay là vị có khả năng kích thích vị giác giúp món ăn trở nên hấp dẫn và ngon miệng hơn. Tuy nhiên với mẹ bầu thì việc ăn cay lại đang trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi. Người ta tin rằng phụ nữ mang thai nên tránh ăn thực phẩm cay bởi vì nhiệt độ cơ thể vốn đã “nóng” và khi ăn thực phẩm nóng có thể làm tăng nhiệt, gây ra nhiều rủi ro như: dẫn đến chuyển dạ sớm, sẩy thai và khuyết tật bẩm sinh.

Song, đây chỉ là đồn đoán mà không có bằng chứng khoa học xác thực. Có rất nhiều phụ nữ ăn cay hằng ngày (như phụ nữ Thái hoặc Ấn Độ) trong khi mang thai và vẫn chưa có bất kì báo cáo nào đề cập về các hậu quả nêu trên.

Trên thực tế, khi ở trong bụng mẹ, bé thích thay đổi vị giác. Và nếu bé được nếm thử nhiều vị khác nhau trước và sau khi sinh thì sau này bé sẽ ít kén ăn hơn. Nghiên cứu cho rằng những trẻ được thưởng thức nhiều hương vị sẽ dễ chấp nhận những vị mới và thúc đẩy ăn uống tốt hơn.

Tuy vậy, khi mang bầu mẹ cũng nên hạn chế đồ ăn cay, nóng bởi các tác dụng phụ của nó như dễ gây tình trạng táo bón, trĩ – những căn bệnh phổ biến thường gặp ở hệ tiêu hóa của mẹ bầu.

Uống ít nước trong tam cá nguyệt thứ 3

Các mẹ bầu vẫn được truyền tai rằng nên uống ít nước trong 3 tháng cuối thai kỳ để tránh tình trạng chân bị xuống nước, phù nề. Tuy nhiên các nhà khoa học đã chứng minh rằng hiện tượng sưng phù và ngứa nhiều trong kỳ sinh nở không liên quan đến việc tiêu thụ nước.

Ngược lại, uống đủ nước lại có thể giải quyết những vấn đề này. Nó cũng giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm niệu đạo, một hiện tượng rất phổ biến khi mang thai. Nếu bạn uống đủ nước, nước tiểu sẽ loãng hơn, giảm nguy cơ viêm nhiễm. Trong nhiều trường hợp, uống nước còn giảm thiểu được tình trạng ốm nghén, ợ nóng và khó tiêu. Nó còn duy trì thân nhiệt, làm mát cơ thể, đặc biệt là trong những tháng nóng nực, ẩm ướt.

Đặc biệt, mẹ bầu cần lưu ý là uống nước sạch, đảm bảo vệ sinh ở tất cả mọi lúc, mọi nơi. Tốt nhất chỉ nên uống nước đã đun sôi không quá 2 ngày hay nước đóng chai để tránh nhiễm khuẩn, ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé.

Xem thêm: 
Trên đây là những quan niệm sai lầm phổ biến mà mẹ bầu cần biết để có những suy nghĩ đúng đắn và cái nhìn khách quan nhất. Từ đó, trở thành người mẹ thông thái và có những quyết định sáng suốt cho bé yêu phát triển khỏe mạnh.
Dương Duyên

Dương Duyên



Đăng ký nhận thông tin khuyến mại