Đang thực hiện
Tên đăng nhập
Mật khẩu
 
Quên mật khẩu
Tổng đài: 0936 320 777
0 Giỏ hàng của bạn
Vận chuyển toàn quốc

Điểm danh các bệnh lười của trẻ sau Tết và cách khắc phục

15/02/2019

Điểm danh các bệnh lười của trẻ sau Tết và cách khắc phục

Tết đến mang theo niềm vui cho người người nhà nhà được quây quần, sum họp nhưng cũng là nguyên nhân làm đảo lộn nếp sống sinh hoạt của mỗi thành viên trong gia đình và trẻ nhỏ không phải là ngoại lệ. Kỳ nghỉ Tết kéo dài cùng những hoạt động vui chơi, giải trí diễn ra triền miên không khỏi khiến trẻ trở nên ì ạch, trây lì khi phải bắt đầu quay trở lại với cuộc sống thường ngày. Lúc này, việc mà các bậc phụ huynh thông thái cần làm là thấu hiểu tâm lý của con, đồng thời trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể cùng con đối phó với các căn bệnh “lười sau Tết”. Theo dõi bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề đó.

Lười học

Điểm danh các bệnh lười của trẻ sau Tết và cách khắc phục Ảnh 1
 

Nguyên nhân

Theo các chuyên gia tâm lý, thường ngày công việc học tập của trẻ em đã đi vào nề nếp nhưng do nghỉ Tết quá dài ngày nên thói quen ấy bị phá vỡ. Tất cả những mối bận tâm về sách vở và kết quả học tập của trẻ giờ được thay thế bằng niềm vui trong khoảng thời gian vui chơi, giải trí. Ngày Tết sinh hoạt thất thường, trẻ không phải động não với việc học tập khiến đồng hồ sinh học của bé gần như bị thay đổi hoàn toàn. Do đó, không ngạc nhiên khi đến ngày đi học, các bé lại cảm thấy thật khó khăn trong việc bắt nhịp việc học.

Trong dịp nghỉ lễ dài này, bé được thỏa sức tự do nô đùa và làm bạn với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy game, TV…thay vì làm bài tập và đi học. Vì lẽ đó mà sẽ không dễ để trẻ có thể ngay lập tức trở lại với nếp sống cũ và đạt được hiệu quả học tập như trước.

Nghỉ Tết dài ngày, nhiều bậc cha mẹ vì bận bịu lo sắm sửa ngày Tết, chúc tụng họ hàng mà ít để ý đến nếp sống và sinh hoạt của con cái. Kết quả là trẻ được nghỉ theo cách hoàn toàn tự do. Kỳ nghỉ như vậy thường thiếu cấu trúc, giờ giấc ăn ngủ, sinh hoạt bị đảo lộn. Thêm vào đó, bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay được cho là có phần quá tải. Vì thế cần phải cải thiện phương pháp giảng dạy để trẻ được giảm bớt áp lực và ghánh nặng. Như thế mới có thể tạo được động lực cho bé quay lại với sách vở sau mỗi dịp lễ dài ngày.

Cách khắc phục

Giúp con điều chỉnh lại đồng hồ sinh học
Với lịch nghỉ Tết kéo dài đến 10 ngày, trẻ không thể tránh khỏi việc bị ảnh hưởng về thói quen học tập hằng ngày cũng như các sinh hoạt thường nhật. Vào dịp Tết, cha mẹ thường hay cho trẻ thức khuya và dậy muộn để trẻ được nghỉ ngơi thoải mái sau những ngày học tập căng thẳng suốt năm qua. Thế nhưng, việc cho trẻ vui chơi thả ga sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhịp sống sinh học của trẻ, khiến cho trẻ khó có thể đi ngủ và thức dậy sớm khi quay lại trường sau khi hết Tết.

Bên cạnh đó, ngày Tết vui chơi thỏa thích cũng khiến trẻ ngại học bài, ôn luyện bài trước khi đến lớp và trở nên mệt mỏi, thiếu sức sống khi bắt đầu những buổi học đầu tiên của năm mới. Vì vậy, trong những ngày Tết, các cha mẹ nên nhắc nhở và giám sát chuyện vui chơi của trẻ, không nên để trẻ vui chơi quá sức hay thức quá khuya để giờ giấc sinh hoạt được duy trì một cách đều đặn.
Cho trẻ chơi và học, học và chơi
Để tránh tình trạng bé e ngại với việc học sau tết, các cha mẹ cần lên kế hoạch chơi và học được khéo léo lồng ghép một cách khoa học trong thời gian nghỉ tết và khởi động tinh thần học tập cho trẻ khi trở lại với bài vở.

Không bắt trẻ học tập ở cường độ cao nhưng cha mẹ cũng không nên để con nghỉ ngơi hoàn toàn. Tết không chỉ cho trẻ được thỏa sức vui chơi mà còn phải đan xen những hoạt động mang tính giáo dục cao. Mỗi ngày cần yêu cầu trẻ tranh thủ củng cố một ít nội dung bài vở để tránh việc quên kiến thức và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trước những ngày học đầu năm mới. Qua những hoạt động giải trí, cha mẹ cũng có thể lồng ghép một chút kiến thức theo một cách thức mới mẻ, thú vị mà chỉ ngày Tết mới có để con vừa thích thú lại dễ dàng ghi nhớ những thông tin bổ ích ấy hơn.

Như vậy, việc đan xen giữa nghỉ ngơi, vui chơi với học tập, học theo một cách thức nhẹ nhàng, vui vẻ, học mà chơi, chơi mà học là cách thức lý tưởng để chuẩn bị cho trẻ tâm lý tốt trước khi nhập học trở lại.
Bắt đầu với môn học con yêu thích
Cha mẹ cũng có thể giúp con hào hứng hơn với công việc học tập sau kỳ nghỉ Tết bằng cách để trẻ tự chọn môn học bé ưa thích và cho con làm những bài tập dễ trước, sau đó mới đến các lĩnh vực khác.

Ngoài ra, việc bắt đầu với trẻ bằng một cuốn truyện tranh, mở những bản nhạc mà trẻ thích hay gợi lại những niềm vui của trẻ trong dịp Tết vừa qua để con lấy lại hứng thú. Có không ít bạn nhỏ sẽ tập trung học tốt hơn nếu được nghe những bản nhạc mà mình yêu thích. Khi đó, việc tạo một danh sách nhạc và cho con nghe khi học bài sẽ là giải pháp hiệu quả cho bé tập trung hơn trong học tập.
Cho trẻ tránh xa với đồ dùng điện tử
Tết là dịp để cả gia đình cùng nghỉ ngơi, thư giãn nhưng vì có quá nhiều lịch trình đi lại và công việc nên bố mẹ thường ít có thời gian quan tâm đến con cái. Do đó, việc trẻ thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, ipad…không được cha mẹ kiểm soát chặt chẽ sẽ tạo thói quen xấu cho trẻ và xu hướng chán học khi hết đợt nghỉ Tết.

Bởi vậy, cha mẹ cần chú ý trong hoạt động vui chơi giải trí của con trong những ngày Tết và nhắc nhở trẻ không lạm dụng các thiết bị công nghệ như một thú vui ngày Tết để bé có thể dễ dàng tập trung vào việc học và không bị ảnh hưởng bởi những trò tiêu khiển trên các thiết bị đó.
Tạo cho trẻ môi trường học tập mới mẻ
Việc làm mới góc học tập trong không gian sống của bé sẽ là một gợi ý thú vị để bạn giúp con thêm yêu căn phòng của mình và có động lực hơn trong việc bắt đầu với sách vở trong những ngày đầu năm mới. Bằng cách cho bé đóng góp một chút tiền lì xì vào công cuộc mua sắm những món đồ nội thất mới như bàn học trẻ em đa năng hay decal trang trí bắt mắt, bạn sẽ mang đến cho con một không gian học tập mới mẻ, sinh động, giúp kích thích khả năng sáng tạo cùng tinh thần ham học hỏi trong con trẻ.

Hay đơn giản hơn, cha mẹ có thể cùng bé thu dọn lại góc học tập và lau chùi bàn ghế, sắp xếp đồ dùng ngay ngắn gọn gàng, bày trí giá sách khoa học... để tạo nguồn cảm hứng cho trẻ mỗi khi ngồi vào bàn học.
Cùng con chuẩn bị bài vở và lên thời gian biểu hợp lý
Trong kỳ nghỉ lễ, cha mẹ cần nhắc trẻ về thời gian phải quay lại trường học tập để trẻ chuẩn bị tâm lý và bắt kịp với nhịp sống thường ngày.
Vào ngày cuối cùng của ngày nghỉ, các bậc phụ huynh có thể cùng bé soát lại thời khóa biểu và kiểm tra xem con đã chuẩn bị bài vở cho đầy đủ tất cả các môn hay chưa để bé sẵn sàng cho một ngày mới học tập hiệu quả.

Việc tiếp theo là định hướng cho bé lên kế hoạch chi tiết để thực hiện các mục tiêu trong năm mới với một thời gian biểu có sự phân chia giờ giấc rõ ràng và khoa học. Đồng thời giúp bé cân đối thời gian học tập và giải trí sao cho phù hợp để luôn tràn đầy cảm hứng mà không thấy mệt mỏi. Thời gian biểu sẽ giúp trẻ rèn luyện tính kỷ luật và giảm bớt căn bệnh lười học không chỉ những ngày đầu năm mới mà còn trong suốt cả năm.
Giữ gìn sức khỏe cho bé
Ngoài ra, để giúp con có tâm trạng thoải mái khi bắt đầu với việc học sau một đợt nghỉ lễ dài ngày, các mẹ cần chú ý đảm bảo sức khỏe cho bé trong những ngày Tết, để bé được ăn uống, ngủ nghỉ điều độ và được nạp đủ năng lượng trước khi đến trường học tập.

Vì vậy, trong dịp Tết, cha mẹ cần lên kế hoạch những chuyến đi chơi xa hợp lý sao cho trẻ không bị mệt, tránh tình trạng trở về nhà hôm trước thì hôm sau đã phải cắp sách đến trường, khiến trẻ rơi vào trạng thái kiệt sức, uể oải vào ngày mới.

Lười ăn

Điểm danh các bệnh lười của trẻ sau Tết và cách khắc phục Ảnh 2
 

Nguyên nhân

Biếng ăn là hiện tượng thường gặp ở trẻ em, nhất là ở trẻ từ 1-3 tuổi. Tuy nhiên, tình trạng trẻ lười ăn càng trở nên phổ biến hơn sau mỗi dịp Tết.

Nguyên nhân đầu tiên lý giải cho tình trạng này đó là sự xáo trộn trong thói quen ăn uống ở trẻ trong ngày Tết. Trong thời gian nghỉ Tết, thay vì các bữa ăn đúng giờ giấc với đủ các loại chất dinh dưỡng từ tinh bột, đạm, chất béo và vitamin thì trẻ lại thường xuyên bị hụt bữa chính và đổi lại là các bữa ăn vặt triền miên với bánh kẹo, đồ ngọt làm bé luôn cảm thấy ngang bụng và không còn cảm giác muốn ăn nữa. Ngoài ra, việc lặp đi lặp lại các món ăn cổ truyền của ngày Tết trong nhiều ngày liền cũng khiến bé cảm thấy ngán ngẩm và chán ăn. Điều này dần dần dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn và thậm chí là sợ ăn sau Tết.

Còn đối với trẻ sơ sinh còn bú mẹ, Tết là thời điểm người mẹ bận rộn cho công việc mua sắm, dọn dẹp và các hoạt động thăm hỏi họ hàng nên làm ảnh hưởng đến giờ giấc ăn ngủ của bé. Trẻ không được bú theo đúng cữ như ngày thường và lâu ngày hình thành thói quen xấu cho bé. Con sẽ không còn mặn mà với việc bú mẹ và có thể bỏ cữ thường xuyên.

Thêm vào đó là nguyên nhân khách quan đến từ điều kiện thời tiết và chất lượng đồ ăn. Khí hậu giao mùa Đông – Xuân nồm ẩm dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em. Kết hợp với việc thức ăn ngày Tết thường lưu cữu lâu ngày hoặc thực phẩm bẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong khi sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ còn yếu kém nên dễ sinh bệnh và là lý do khiến bé biếng ăn.

Xem thêm: ​Bí quyết chăm sóc sức khỏe cho trẻ trong dịp Tết

Ngoài ra, dịp Tết các gia đình lên kế hoạch đi chơi xa hay về quê để tụ họp, sum vầy với gia đình cũng làm trẻ phải di chuyển nhiều dẫn đến cơ thể mệt mỏi. Nhất là khi thay đổi khẩu vị ăn uống không hợp với trẻ sẽ làm cho bé cảm thấy khó ăn và ăn uống không ngon miệng.

Cách khắc phục

Duy trì giờ giấc ăn uống khoa học
Ngay khi quay lại với nhịp sống thường ngày, cha mẹ cần bắt đầu duy trì chế độ uống hợp lý, đúng bữa cho trẻ nhưng với một lượng ít hơn so với ngày thường và tăng dần ở những ngày tiếp theo.

Các mẹ cần lưu ý rằng số lượng thức ăn không quan trọng bằng cách cho ăn, thay vì ép, dọa bé ăn khiến bé càng sợ ăn, mẹ nên để bé thoải mái ăn theo nhu cầu, đừng kéo dài bữa ăn quá 30 phút. Nếu bé ăn một lần không được nhiều thì chia khẩu phần ra nhiều bữa nhỏ. Mẹ có thể chế biến các món ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp. Không nên cho bé ăn vặt giữa các bữa và trước bữa ăn chính 2 giờ, để bé không bị ngang dạ, có cảm giác thèm ăn sẽ kích thích tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Tùy theo độ tuổi, trẻ sẽ có nhu cầu dinh dưỡng, số lượng bữa ăn chính phụ, số lượng thực phẩm cần ăn trong mỗi bữa là khác nhau. Đồng thời mẹ cần hiểu rõ sức ăn của bé để cung cấp cho trẻ chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Với nhịp sinh hoạt điều độ, bé sẽ ăn ngủ đúng giờ và có cảm giác ngon miệng, tránh được việc ăn uống thất thường. Sức khỏe của trẻ sẽ được đảm bảo khi bữa ăn và giấc ngủ không bị thay đổi.
Đa dạng thực đơn
Ngày Tết với các món ăn đặc trưng như bánh chưng, giò, thịt gà, canh măng quá nhiều đạm và các món chiên rán nhiều dầu mỡ không chỉ khiến bé nhanh bị chán ngấy mỗi khi đến bữa mà thực đơn ấy kéo dài nhiều ngày còn ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe của trẻ. Do đó, việc xây dựng cho con một chế độ dinh dưỡng đa dạng các loại thực phẩm bằng việc bổ sung các chất vitamin đến từ rau, củ, quả và trái cây…sẽ giúp trẻ lấy lại sự cân bằng cũng như cảm giác thèm ăn trước đây.

Mẹ nên linh hoạt thay đổi khẩu vị hàng ngày với các thực đơn mới để bé không cảm thấy nhàm chán. Về chế độ ăn uống, cần chú ý cho bé ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng theo độ tuổi, đa dạng thực phẩm, ngày 3 bữa chính đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng, 3 bữa phụ ăn thêm sữa chua, trái cây, ngũ cốc… Ngoài ra, mẹ có thể cho trẻ kết hợp sử dụng thêm sữa cho trẻ biếng ăn để bổ sung dinh dưỡng và giúp con nhanh tìm được cảm giác ngon miệng.
Kích thích vị giác của trẻ bằng cách trang trí món ăn
Những món ăn nhiều màu sắc được trang trí với những hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu sẽ hấp dẫn trẻ và tạo cho con hào hứng trong chuyện ăn uống. Bằng cách tạo hình khéo léo, biến mỗi bữa ăn thành một bức tranh sắc màu sinh động, các mẹ sẽ khiến con vô cùng vui thích và tạo cho con cảm hứng ăn ngon mỗi ngày.

Trang trí là một phần không thể thiếu trong nghệ thuật chế biến món ăn, giúp món ăn trở nên sinh động, hấp dẫn, có tác dụng kích thích vị giác và giúp bữa ăn ngon miệng hơn. Vì vậy, việc trang trí món ăn được áp dụng không chỉ trong các bữa tiệc mà còn ở bữa cơm hằng ngày, đặc biệt là trang trí món ăn cho các bé. Hầu hết mọi người đều nghĩ các bé còn nhỏ, chưa có nhận thức sâu sắc nên không coi trọng hình thức khi chế biến món ăn cho bé song ngược lại, điều này lại trở nên vô cùng cần thiết đối với các bạn nhỏ, nhất là các bé biếng ăn. Bởi lẽ đó, các mẹ nên trau dồi thêm những kiến thức, kỹ năng trang trí món ăn để phục vụ thiên thần nhỏ của mình.

Tùy theo độ tuổi và mức độ nhận biết của bé mà bạn có cách trang trí món ăn phù hợp. Với các bé dưới 2 tuổi, chỉ nên trang trí những họa tiết đơn giản, dễ nhận biết và nhiều màu sắc như bông hoa, cái cây, con vật… Với các bé lớn hơn, mẹ có thể học cách trang trí các hoạt tiết cầu kỳ theo sở thích của bé như công chúa hay các nhân vật hoạt hình đáng yêu. Việc cắt tỉa, trang trí món ăn cho bé cần có sự khéo léo và sáng tạo, thường xuyên thay đổi các hình thức trang trí để hấp dẫn bé. Hãy làm món ăn cho bé thêm sinh động, ngộ nghĩnh, mới lạ và ưa nhìn để kích thích sự thèm ăn của con các mẹ nhé.
Thúc đẩy bé tăng cường hoạt động thể chất
Bên cạnh những giải pháp trên thì việc để con được ra ngoài vận động hay khuyến khích trẻ tập thể dục thường xuyên cũng là cách đem lại hiệu quả bất ngờ giúp cải thiện đáng kể tình trạng biếng ăn ở trẻ.

Trẻ sẽ thấy ăn ngon miệng hơn sau mỗi lần vận động và việc duy trì tập thể dục khoảng 20 phút mỗi ngày là điều hết sức cần thiết với các bé. Đây là biện pháp hữu hiệu giúp bé có cảm giác thèm ăn đồng thời giúp trẻ có được giâc ngủ ngon và sâu giấc.

Cha mẹ có thể kết hợp với những hoạt động vui chơi tiêu hao năng lượng phù hợp với độ tuổi của các bé như: đạp xe, bơi lội, đi xe lắc… Ngoài ra, mẹ cần chú ý thường xuyên cho trẻ tắm nắng vào sáng sớm để giúp cung cấp đủ canxi và vitamin D giúp ăn ngon miệng hơn, tạo thói quen ngủ sớm, đủ giấc để bé có sức khỏe tốt, tinh thần tốt và cao hơn lớn hơn.

Lười vận động

Điểm danh các bệnh lười của trẻ sau Tết và cách khắc phục Ảnh 3
 

Nguyên nhân

Những ngày nghỉ Tết kéo dài tạo điều kiện cho trẻ nghỉ ngơi thoải mái nhưng cũng là thời điểm mà con dễ bị béo phì với sức ì của cơ thể rất lớn. Trẻ không phải bận tâm đến công việc học tập mà chỉ quẩn quanh với 3 việc: ăn, ngủ và chơi.

Theo thống kê, cứ 3 trẻ thì chỉ có 1 trẻ năng nổ vận động mỗi ngày. Trung bình một trẻ em dành ra 7 giờ mỗi ngày để xem tivi, sử dụng máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử giải trí khác. Với những trẻ vị thành niên thừa cân, 70% sau này khi lớn lên sẽ là những người thừa cân hoặc béo phì. Con số này càng trở nên đáng báo động hơn vào mỗi dịp Tết.

Trẻ được ăn uống bánh kẹo cũng như đồ ngọt và dùng nhiều loại thực phẩm ăn liền dẫn đến tình trạng dư thừa năng lượng, khiến cơ thể trở nên chậm chạp và gây ra việc lười vận động sau khi hết Tết. Tuy nhiên, không vận động càng làm cho trẻ cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, không muốn làm gì thậm chí là chỉ thích ở trong nhà xem ti vi, ngủ nướng và ăn vặt không ngừng. Hơn thế, việc trẻ được vận động nhiều sẽ giúp bé trở nên linh hoạt, nhanh nhẹn hơn, chưa kể còn giúp tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch cực hiệu quả. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy để trẻ tham gia các trò chơi với những bạn bè khác vừa giúp trẻ năng động vừa dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.

Cách khắc phục

Cha mẹ làm gương cho con
Để bé tăng cường vận động, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là hãy làm tấm gương sáng cho con noi theo thay vì thúc giục và bắt ép con tự thân vận động, nhất là vào những ngày sau Tết khi đời sống sinh hoạt của trẻ đang gặp nhiều đảo lộn.

Bằng việc thường xuyên tập thể dục hay lên kế hoạch cùng con tham gia các hoạt động ngoài trời hay chỉ đơn giản là dành thời gian để chơi với bé, bạn sẽ giúp con có thêm động lực để vận động cơ thể. Cả gia đình có thể đi bơi, đạp xe hoặc đi bộ cùng nhau. Như vậy, bạn vừa xây dựng lối sống lành mạnh cho trẻ, vừa tạo thêm nhiều thời gian vui vẻ giữa các thành viên trong gia đình. Hay bạn cũng có thể bắt đầu bằng những trò con thích. Cho bé vận động qua các trò chơi dân gian như trò chơi trốn tìm, đá gà, cua cắp, cá sấu lên bờ...hoặc những trò chơi khác như chơi nấu ăn, bán hàng...

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể lập thời gian biểu sinh hoạt phù hợp cho bé và cả gia đình. Không bắt buộc phải thực hiện đúng như kế hoạch đề ra nhưng mọi sinh hoạt của bé và gia đình cần phải khoa học, rõ ràng từ giờ giấc ăn, ngủ, giải trí, vận động thể chất, học tập cho đến vệ sinh cá nhân. Việc tạo thời gian biểu này sẽ giúp gia đình bạn, đặc biệt là bé có một thói quen sinh hoạt tốt và có điều kiện phát triển tốt nhất cả về thể chất lẫn tinh thần.

Việc cùng vận động với trẻ hằng ngày không chỉ hỗ trợ bảo đảm sự phát triển của trẻ mà còn giúp mẹ khỏe khoắn hơn, có vóc dáng đẹp hoàn hảo hơn sau dịp Tết.
Tạo không khí vui vẻ, thoải mái
Vào dịp lễ Tết, trẻ càng muốn được nghỉ ngơi, thư giãn bù cho những ngày học tập mệt nhọc và được cha mẹ cho phép sử dụng các thiết bị điện tử để làm phương tiện giải trí. Bé xem như đây là cách vui chơi thoải mái và mang đến niềm vui cùng sự thích thú cho mình. Tuy nhiên, sau Tết, khi cuộc sống thường ngày trở lại, mẹ cần giúp bé xóa bỏ thói quen xấu ấy và thay vào đó hãy cho bé thấy rằng vận động cũng chính là cách vui vẻ, thư giãn tuyệt vời, đồng thời, đây cũng là cách để con tăng cường sức đề kháng và giúp cơ thể được bảo vệ trước các mối nguy mắc các bệnh thường gặp.

Mẹ nên chọn các hình thức vận động khác nhau cho trẻ những trải nghiệm mới và thú vị như đến công viên hay các khu vui chơi giải trí công cộng. Mẹ cần khích lệ bé tích cực vận động để con giải phóng năng lượng dư thừa và cảm thấy mình năng động hơn.
Khuyến khích con tham gia vào các sinh hoạt tập thể
Sinh hoạt tập thể là một hoạt động không thể thiếu trong chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Bởi thông qua đó, trẻ được tiếp xúc, gần gũi với thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành, đồng thời được khám phá, thoả mãn trí tò mò của mình. Một lợi ích quan trọng của các hoạt động tập thể ngoài trời là nó không chỉ giúp bé phát triển thể chất mà còn tăng cường kĩ năng giao tiếp của trẻ. Trẻ sẽ tiếp xúc, làm quen, nói chuyện với các bạn trong lớp, từ đó giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Ngoài ra, trẻ sẽ dễ dàng thích nghi, hòa nhập khi đến các môi trường khác.

Vì thế, cha mẹ nên đưa bé đến những môi trường sinh hoạt tập thể, hoạt động nhóm để bé tham gia như câu lạc bộ nhảy, múa, hát dành cho bé gái hay võ thuật với bé trai… Ban đầu bạn không nên quá đòi hỏi bé phải tham gia được ngay như trẻ khác mà để bé quan sát các bạn chơi, tập, dần dần bé sẽ cảm thấy đó là những trò vui vẻ và mong muốn được chơi như các bạn.
Dành cho con phần thưởng động viên
Biết khen thưởng, động viên con đúng lúc, cha mẹ sẽ giúp trẻ cảm thấy phấn khích, tạo cho trẻ động lực để phấn đấu vươn lên. Không nên bắp ép con vận động tạo áp lực về tâm lý, khiến trẻ hành động theo kiểu chống đối dẫn đến việc vận động không thật sự đạt hiệu quả cao như cha mẹ mong đợi.

Bằng cách khéo léo dành tặng con những phần thưởng mang nhiều giá trị tinh thần như món quà mà con thích, bạn sẽ giúp con cảm thấy hứng thú và năng vận động hơn khi nhận được sự cổ vũ và động viên từ cha mẹ. Hay bạn cũng có thể thưởng cho trẻ một chuyến đi mua sắm, tham quan công viê, trẻ nhất định sẽ rất thích thú và vui mừng khi nhận được những phần thưởng đó. Ngoài ra, mẹ cũng nên chú ý khen ngợi, động viên trẻ sau mỗi lần trẻ tự giác vận động vào mỗi sáng hoặc mỗi chiều. Hãy nhớ luôn động viên và ủng hộ bé đúng lúc và kịp thời mỗi khi bé gặp khó khăn trong lúc vận động, khuyến khích bé chơi ngoài trời và luôn dành lời khen ngợi mỗi khi bé làm như vậy.

Tuy nhiên, một lưu ý nhỏ là các bậc phụ huynh cần chú ý cho con rèn luyện thể lực cần kết hợp với kỹ thuật, đồng thời, tùy vào độ tuổi để cho bé vận động hợp lý, tránh cho trẻ vận động với những môn thể thao quá sức hay tham gia các hoạt động mạo hiểm. Điều này giúp trẻ phát triển thể lực cân đối và tránh được chấn thương xảy ra để bé được phát triển một cách an toàn nhất.

Bằng cách khéo léo áp dụng những bí quyết trên, các bậc phụ huynh sẽ giúp con nhanh chóng lấy lại “phong độ” và bắt kịp nhịp sống thường ngày sau một dịp nghỉ Tết kéo dài. Chúc các bạn thành công.
 
Dương Duyên

Dương Duyên



Đăng ký nhận thông tin khuyến mại