Đang thực hiện
Tên đăng nhập
Mật khẩu
 
Quên mật khẩu
Tổng đài: 0936 320 777
0 Giỏ hàng của bạn
Vận chuyển toàn quốc

Tổng hợp những điều mẹ bầu cần biết để thai nhi khỏe mạnh

16/01/2019

Tổng hợp những điều mẹ bầu cần biết để thai nhi khỏe mạnh

Mang thai là thiên chức và nghĩa vụ cao cả của mỗi người phụ nữ. Song, làm sao để có một thai kỳ khỏe mạnh là câu hỏi mà không ít mẹ bầu phải trăn trở. Trang bị cho mình những kiến thức và hiểu biết cần thiết về quá trình mang thai chính là cách để các mẹ bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé một cách an toàn, hiệu quả. Tham khảo những bí quyết dưới đây để mang đến cho thiên thần nhỏ những điều tốt nhất ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Tiêm phòng

Tổng hợp những điều mẹ bầu cần biết để thai nhi khỏe mạnh Ảnh 1

Trước khi mang thai

Lưu ý đầu tiên mà các mẹ bầu cần nắm được để thai nhi được phát triển khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt đó chính là việc tiêm phòng trước khi mang thai. Giai đoạn mang thai là khoảng thời gian mà hệ thống miễn dịch của người phụ nữ hoạt động kém hơn bình thường kéo theo các nguy cơ nhiễm bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của thai. Do đó, tiêm phòng trước khi mang thai là biện pháp phòng bệnh hết sức quan trọng mà mỗi mẹ bầu cần đặc biệt chú ý.

Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ nên tiêm phòng trước khi có dự định mang thai ít nhất 3 tháng để quá trình phòng bệnh đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, các mũi tiêm phòng phổ biến thường được bác sĩ chỉ định cho phụ nữ có ý định mang thai là: mũi 3 trong 1 Sởi – Quai bị – Rubella (MRR), mũi chích ngừa thủy đậu, tiêm phòng viêm gan siêu vi B và chích ngừa cúm. Cụ thể:
  • MRR: Tốt nhất là 6 tháng trước khi mang thai.
  • Thủy đậu: Ít nhất là 2 tháng trước khi mang thai.
  • Viêm gan B: Trước hoặc trong khi mang thai.
  • Cúm: Mọi thời điểm trước khi mang thai.

Trong khi mang thai

Thuốc chủng ngừa uốn ván, bạch hầu, ho gà được khuyến cáo cho phụ nữ mang để giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bệnh các nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. Uốn ván là bệnh nguy hiểm ở trẻ với nguy cơ tử vong từ 20% đến 40%. Vì vậy, trong thời kỳ mang thai bà bầu cần tiêm vắc xin uốn ván để phòng bệnh cho cả mẹ và phòng uốn ván sơ sinh cho bé.
  • Đối với mẹ bầu mang thai lần đầu: Mũi thứ nhất từ tuần 22 trở đi, mũi thứ hai tiêm nhắc lại cách 1 tháng. Để phòng sinh non, mẹ bầu nên tiêm mũi 1 muộn nhất là tuần 26, mũi 2 vào tuần 30.
  • Đối với mẹ bầu mang thai lần 2:
    • Khoảng cách thai giữa 2 lần mang thai là < 5 năm và đã tiêm đủ 2 liều uốn ván ở lần mang thai trước thì tiêm 1 liều uốn ván khi mang thai đủ 24 tuần.
    • Khoảng cách giữa 2 lần mang thai > 5 năm hoặc trước đó mới tiêm 1 liều uốn ván ở lần mang thai trước thì nên tiêm 2 liều như mang thai lần đầu.
Các mẹ bầu có thể sắp xếp thời gian tới các trung tâm y tế dự phòng, trung tâm tiêm chủng dịch vụ để tiêm phòng uốn ván trong quá trình mang thai.

Khám thai

Tổng hợp những điều mẹ bầu cần biết để thai nhi khỏe mạnh Ảnh 2
 
Trong suốt thai kỳ, bộ y tế khuyến cáo phụ nữ mang thai nên đi khám thai định kỳ ít nhất 3 lần. Khám thai định kỳ là cách để mẹ có thể theo sát sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm nguy cơ dị tật hay các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Có 3 mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu không nên bỏ qua đó là khám thai tuần 12 của thai kỳ để đo độ mờ da gáy, tuần 22 để chẩn đoán khuyết tật bẩm sinh và giai đoạn tuần 30-32 của thai kỳ để quyết định ngày sinh.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần theo dõi quá trình tăng cân và khám thai thường xuyên để tránh nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Việc tăng cân quá nhanh trong một khoảng thời gian ngắn là dấu hiệu để mẹ bầu nghi ngại đến việc mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Đây là tình trạng đường huyết bị rối loạn trong thời gian người bệnh mang thai và có thể xảy ra ở giai đoạn từ tuần thứ 24 của thai kỳ. Bệnh tiểu đường thai kỳ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe của chính mẹ bầu và thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu cần kiểm soát đường huyết của mình thường xuyên và tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ tránh những hậu quả không mong muốn.

Chế độ dinh dưỡng

Tổng hợp những điều mẹ bầu cần biết để thai nhi khỏe mạnh Ảnh 3
 
Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất và khoa học là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của thai nhi. Thực đơn cho bà bầu không chỉ đa dạng các nhóm chất mà còn phải được xây dựng một cách hợp lý để con khỏe mà mẹ không thừa cân.
  • Axit folic (hay còn gọi là Vitamin B9): Đây là một loại dưỡng chất rất quan trọng với cơ thể con người, một trong những vi chất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của bào thai, nhất là hệ thần kinh, đặc biệt trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai nhi. Axit folic có nhiều trong các loại rau có màu xanh thẫm như: súp lơ xanh, rau muống, cải xanh, đậu lima, đậu Hà Lan, đậu nành, cà rốt, cà chua, chuối, cam, chanh, bưởi hay thịt gia cầm, nội tạng động vật như gan, tim…
  • Sắt: Sắt rất cần thiết cho quá trình vận chuyển oxi và vi chất dinh dưỡng đến bào thai, đồng thời cũng tham gia vào quá trình cấu tạo nên enzym hệ miễn dịch, giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Thiếu sắt không chỉ khiến bà bầu luôn trong tình trạng mệt mỏi, khó chịu, da xanh xao mà còn là nguyên nhân gây sinh non, thiếu cân ở trẻ sơ sinh… Do đó mẹ bầu nên bổ sung những thực phẩm giàu sắt như: thịt bò, cải xoăn, cải bó xôi, rau dền, bánh mì nguyên hạt và ngũ cốc…
  • Canxi: Đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống xương vững chắc cho mẹ bầu và thai nhi, việc thiếu canxi khiến cơ thể người mẹ thường cảm thấy mệt mỏi, đau cơ và thai nhi sẽ bị suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ, gây ra các dị tật về xương, còi xương bẩm sinh, thấp, lùn và quấy khóc về đêm… Thực phẩm giàu canxi có nhiều trong các loại hải sản như cua đồng, tôm, các loại sữa tươi như sữa bò, dê sữa bột hay từ nguồn thực vật như vừng, cà rốt…
  • Chất đạm (protein): Protein có vai trò xây dựng và thay thế các mô mới trong cơ thể, giúp tạo ra kháng thể cho hệ thống miễn dịch, giúp bà bầu có một thai kỳ khỏe mạnh. Đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu...
  • Vitamin và khoáng chất: rau xanh và trái cây là những thành phần góp phần không nhỏ để cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho mẹ bầu và trẻ sơ sinh. Không chỉ vậy, những thực phẩm này còn giúp mẹ loại bỏ các hiện tượng xấu như táo bón, ợ nóng, đầy hơi, sạm da, rạn da… trong quá trình mang thai. Một số loại rau xanh mẹ bầu không nên bỏ qua như: Rau chân vịt, cải bó xôi, súp lơ xanh, cải bẹ xanh có nhiều axit folic giúp hạn chế dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Các loại trái cây có nhiều múi như cam, quýt, bưởi có hàm lượng lớn vitamin C giúp tăng sức đề kháng, cho mẹ và bé.

Vận động

Tổng hợp những điều mẹ bầu cần biết để thai nhi khỏe mạnh Ảnh 4
 
Trong giai đoạn 3 tháng đầu, mẹ bầu được khuyên vận động nhẹ nhàng với các bài tập về hít sâu thở đều kết hợp với các động tác uyển chuyển để có thể thư thái đầu óc, giải tỏa mệt mỏi, căng thẳng đồng thời đe giúp ích cho quá trình lưu thông máu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, mẹ bầu cần nhớ khi mang thai không nên làm những việc nặng nhọc, không làm trong môi trường độc hại hay những việc làm phải đứng lâu, cúi nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả bản thân lẫn thai nhi.

Ở những tháng tiếp theo, mẹ bầu nên vận động thường xuyên như đi bộ, tập yoga với các động tác nhẹ nhàng, giúp tăng cường lưu thông máu, quá trình vận chuyển oxy đến các cơ bắp tốt hơn và sẽ giúp cho tinh thần sảng khoái. Ngoài ra khi cơ thể người mẹ hoạt động sẽ thúc đẩy các cơ quan chức năng của bé cũng được kích thích để phát triển tốt nhất.

Hơn nữa, tập luyện thai kỳ đều đặn và đúng cách là cách để mẹ tăng cường sự dẻo dai và chuẩn bị cho quá trình sinh được diễn ra dễ dàng và suôn sẻ.

Mỗi ngày bà bầu chỉ cần dành khoảng 20 – 30 phút đi bộ, ngoài ra có thể bơi lội hoặc tham gia các bài tập yoga. Trong quãng thời gian mang thai, mẹ bầu nên tập luyện vừa sức và nhẹ nhàng. Nếu mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, đuối sức hoặc căng thẳng, hay nghiêm trọng hơn là tình trạng ra máu, các mẹ nhanh chóng ngừng tập ngay và có thể tham khảo ý kiến bác sĩ hay huấn luyện viên để thay đổi bài tập khác cho phù hợp hơn.

Quan hệ tình dục

Tổng hợp những điều mẹ bầu cần biết để thai nhi khỏe mạnh Ảnh 5
 
Không ít mẹ bầu băn khoăn với câu hỏi “có nên quan hệ tình dục khi mang thai?”. Có những quan điểm cho rằng việc “yêu” trong quá trình thai kỳ sẽ gây ảnh hưởng không tốt và làm tổn thương em bé, dễ gây ra tình trạng sinh non hay sảy thai.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong khi mang thai, các cặp vợ chồng vẫn có thể quan hệ bình thường. Điều này không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, kể cả vật lý hay thần kinh. Cổ tử cung được bao bọc bởi một lớp nhầy dày và em bé còn được bảo vệ tốt trong túi ối, do đó dương vật không thể chạm vào cơ thể của bé. Hầu hết các trường hợp sảy thai xảy ra trong ba tháng đầu tuy nhiên, chúng chủ yếu là do nhiễm sắc thể bất thường ở thai nhi chứ không phải do chịu tác động từ việc quan hệ tình dục của bố mẹ. Hơn nữa, làm chuyện “ấy” khi mang thai còn mang lại rất nhiều lợi ích đối với mẹ bầu như: ngủ ngon hơn, giảm huyết áp và giữ được tâm trạng thoải mái, sảng khoái, hạnh phúc.
Đời sống tình dục lành mạnh chính là chìa khóa giúp tình cảm vợ chồng thêm gắn kết, song, cần quan hệ đúng cách để vừa chạm đến sự thăng hoa trong cảm xúc lại bảo vệ bé yêu một cách an toàn nhất.

Trong giai đoạn đầu của thai kỳ khi thai mới bắt đầu hình thành, các cặp vợ chồng nên quan hệ nhẹ nhàng, tránh thô bạo và cũng không nên quan hệ trong thời gian quá lâu.

Bên cạnh đó, vợ chồng cần chọn những tư thế “yêu” thoải mái, thuận tiện cho mẹ bầu, tránh các động tác và tư thế đè ép hoặc gây chấn động mạnh đến vùng bụng dưới và tử cung bên trong. Đặc biệt, quan hệ khi mang thai 3 tháng đầu và 3 tháng cuối cần phải rất cẩn thận trọng vì khi quan hệ không đúng cách trong những giai đoạn này có thể gây động thai hoặc sinh non.
 
Một lưu ý nhỏ khi quan hệ trong quá trình mang thai đó là hệ miễn dịch của người mẹ khá kém, vì thế cần phải lưu ý về vấn đề vệ sinh khi “giao hợp” để phòng tránh các dạng viêm nhiễm sinh dục và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Và nếu trong quá trình quan hệ mà xảy ra bất cứ bất thường nào như đau bụng, ra huyết, ra dịch thì phải lập tức kiêng giao hợp và đưa bà bầu đến bác sĩ chuyên khoa để có được khám và chữa trị kịp thời.

Ngoài ra, có một số trường hợp mẹ bầu nên kiêng quan hệ trong ba tháng đầu thai kì:
  • Có tiền sử sẩy thai hoặc có nguy cơ sẩy thai
  • Âm đạo chảy máu không rõ nguyên nhân hoặc nổi mẩn
  • Đau bụng hoặc bị chuột rút
  • Cổ tử cung không vững chắc
  • Mang song thai hoặc đa thai
  • Có nhau thai thấp

Làm đẹp

Tổng hợp những điều mẹ bầu cần biết để thai nhi khỏe mạnh Ảnh 6

Chăm sóc sắc đẹp tự nhiên

Mang thai là giai đoạn mà nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ sẽ có sự thay đổi khiến da cũng bị rối loạn sắc tố. Các thai phụ thường xuất hiện hiện tượng da trở nên xấu đi như sạm, khô hoặc nhờn, mụn xuất hiện nhiều hơn bởi các hormone bài tiết có thể tiết ra chất dầu khiến cho làn da không còn tươi trẻ căng tràn sức sống như trước đó. Vì vậy, chăm sóc sắc đẹp cho trong giai đoạn thai kỳ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Lời khuyên đầu tiên cho các mẹ muốn chăm chút cho bản thân thêm xinh đẹp mỗi ngày đó là việc làm đẹp từ bên trong bằng cách:
  • Uống nước nhiều để giúp tăng cường độ ẩm và giảm quá trình lão hóa.
  • Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất và đặc biệt là rau xanh, trái cây nhiều nước như cà rốt, cam, chanh, đu đủ, giá đỗ…
  • Rửa mặt với nước ấm để làm sạch chất nhờn và bụi bẩn và lên kế hoạch sử dụng các loại mặt nạ dưỡng da từ thiên nhiên để máu được lưu thông tốt và giữ làn da luôn tươi sáng, mịn màng.
  • Hạn chế để da phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Trang điểm đúng cách

Chúng ta vẫn thường bắt gặp quan điểm khuyên mẹ bầu tránh trang điểm khi mang thai vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Tuy nhiên, bằng việc lựa chọn những món đồ trang điểm đảm bảo chất lượng thì mẹ bầu có thể yên tâm làm đẹp và lại giúp bảo vệ bé yêu một cách an toàn.
 
Việc lựa chọn các sản phẩm làm đẹp làm từ thiên nhiên, dịu nhẹ và lành tính vừa giúp tăng thêm sự tự tin, rạng ngời cho mẹ lại đem đến cho bé những trải nghiệm thú vị từ khi còn ở trong cơ thể của mẹ. Tuy nhiên, các mẹ cũng lưu ý không trang điểm quá đậm và tránh dùng phấn nền, son lì hay bất kỳ loại son nào có chứa chì, không sử dụng nước hoa, nhất là không sơn móng tay và nhuộm tóc trong thai kỳ.

Với những chia sẻ hữu ích trên, hy vọng các mẹ bầu đã có những kiến thức cần thiết để trở thành người mẹ thông thái và giúp quá trình mang thai diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.
 
Dương Duyên

Dương Duyên



Đăng ký nhận thông tin khuyến mại