Đang thực hiện
Tên đăng nhập
Mật khẩu
 
Quên mật khẩu
Tổng đài: 0936 320 777
0 Giỏ hàng của bạn
Vận chuyển toàn quốc

Đối phó với 3 loại bệnh trẻ dễ mắc phải vào mùa xuân

16/02/2019

Đối phó với 3 loại bệnh trẻ dễ mắc phải vào mùa xuân

Trong tiết trời lạnh và ẩm, mùa xuân tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus sinh sôi nảy nở và là nguyên nhân gây ra các bệnh lý thường gặp liên quan đến đường hô hấp, tuần hoàn và tiêu hóa. Trong điều kiện môi trường như thế, trẻ nhỏ với sức đề kháng yếu kém là đối tượng chính hay mắc phải những căn bệnh thường gặp mỗi khi xuân về. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để có biện pháp bảo vệ bé yêu một cách an toàn và hiệu quả các mẹ nhé.

Xem thêm: 

Bệnh đường hô hấp

Đối phó với 3 loại bệnh trẻ dễ mắc phải vào mùa xuân Ảnh 1
 
Vào mùa xuân, trẻ rất dễ bị sổ mũi, hắt hơi, viêm nhiễm đường hô hấp hay hen suyễn. Các triệu chứng thông thường là sốt, chảy nước mũi, ngạt mũi, ho, nhiều đờm… Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính ở trẻ em là bệnh phổ biến nhất. Theo báo cáo thống kê hàng năm có khoảng 4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị tử vong vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, chủ yếu là do viêm phổi.

Do đó, việc phòng bệnh cho trẻ là một điều hết sức quan trọng mà các mẹ cần đặc biệt chú ý. Cách tốt nhất là giữ ấm cho trẻ, đeo khẩu trang cho bé mỗi khi ra ngoài, tránh các nơi có khí than, khói bụi, khói thuốc lá…kết hợp với việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho bé và giúp ngăn ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ. Trong trường hợp trẻ bị ho, mẹ có thể cho con uống trà ấm với lượng mật ong vừa phải. Bên cạnh đó, việc tiêm phòng vắc xin cũng là cách hiệu quả giúp phòng chống các bệnh dễ lây nhiễm ở trẻ nhỏ.

Bệnh đường tiêu hóa

Đối phó với 3 loại bệnh trẻ dễ mắc phải vào mùa xuân Ảnh 2
 
Mùa xuân với môi trường ẩm thấp, nguồn nước dễ bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn gây ra các bệnh đường tiêu hóa ở trẻ, điển hình như tiêu chảy, kiết lị, bệnh tả… Bên cạnh đó, trên thực tế, cũng có nhiều trẻ bị bệnh tiêu hóa do biến chứng từ các bệnh khác như: viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản... Khi mắc những bệnh này, bé thường bị tiết nhiều đờm chứa vi khuẩn, thay vì khạc nhổ ra ngoài, các con nuốt luôn dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột, gây rối loạn tiêu hóa.

Những trẻ mắc bệnh tiêu hóa thường có cảm giác ăn không ngon miệng, nhanh no, luôn có cảm giác chán ăn. Trẻ thường xuyên ợ hơi, ợ nóng, ợ chua hay có thể buồn nôn, đau bụng âm ỉ, thở nặng nhọc, đi lại nặng nề hoặc tiêu chảy, táo bón và có thể đi kèm với những biểu hiện như sốt, môi khô, mặt hốc hác, quấy khóc và không chịu ăn uống.

Để phòng ngừa bệnh tiêu hóa ở trẻ, cần giữ vệ sinh ăn uống: ăn sạch, uống sạch, dùng nước đã đun sôi. Nếu uống nước giải khát thì dùng loại đã qua tiệt trùng. Nên ăn các loại thức ăn nóng, ấm như canh nóng, bổ sung các loại gia vị làm ấm cơ thể như gừng, tỏi, tiêu... Trong bữa ăn, bổ sung nhiều chất đạm, thịt, cá, rau đầy đủ để cung cấp đủ lượng vitamin cho cơ thể. Tập cho trẻ có thói quen ăn uống đúng giờ quy định, ăn ít nhưng chia làm nhiều lần trong một ngày để tránh tình trạng đói. Và điều quan trọng, nên tập thói quen rửa tay trước khi ăn để hạn chế vi khuẩn tiếp xúc đến đồ ăn. Ngoài ra, có thể kết hợp điều trị bằng lá hoắc hương, lá tía tô, lá ổi.

Bệnh truyền nhiễm

Đối phó với 3 loại bệnh trẻ dễ mắc phải vào mùa xuân Ảnh 3
 
Không khí mùa xuân nồm ẩm mở ra cơ hội cho bệnh lây nhiễm bùng phát. Nhất là ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn kém nên có nguy cơ bắt bệnh rất nhanh. Các bệnh như cúm, sốt phát ban, đau mắt đỏ, thủy đậu, dị ứng, nổi mề đay, viêm gan...xuất hiện với tần suất lớn. Nếu không phòng ngừa kịp thời, sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Theo các chuyên gia y tế nhận định thì nguyên nhân gia tăng nhiều bệnh dịch chủ yếu là do chưa tiêm vaccin phòng bệnh. Mặt khác, do thời tiết bất thường, không khí có độ ẩm cao, mưa phùn nhiều, môi trường ô nhiễm...thuận lợi cho các vi rút gây bệnh phát triển mạnh. Nhiệt độ dao động giữa ngày và đêm lớn khiến cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút nên dễ mắc bệnh hơn.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên chú ý tiêm phòng vaccin cho trẻ đầy đủ để có thể phòng bệnh hiệu quả. Đồng thời cần giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh cho trẻ thường xuyên, khi cho trẻ ra đường nên giữ ấm chân, tay, cổ và đeo khẩu trang cho bé để ngăn chặn sự xâm nhập của phấn hoa vào tai, mũi, họng. Về chế độ ăn uống, cần cho trẻ ăn nhiều rau xanh và các loại hoa quả như nho, cam, quýt... Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh: sốt, đau người, ho, viêm họng, mệt mỏi, nổi ban...cần đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Như vậy, sự thay đổi của thòi tiết khiến trẻ dễ mắc phải những căn bệnh thường gặp vào mùa xuân. Cha mẹ cần lưu ý để đề phòng và đảm bảo sức khỏe và sự phát triển tốt nhất cho bé.
 
Dương Duyên

Dương Duyên



Đăng ký nhận thông tin khuyến mại