Đang thực hiện
Tên đăng nhập
Mật khẩu
 
Quên mật khẩu
Tổng đài: 0936 320 777
0 Giỏ hàng của bạn
Vận chuyển toàn quốc

Tìm hiểu nguyên nhân, cách điều trị và biện pháp phòng tránh bệnh ho ở trẻ

22/01/2019

Tìm hiểu nguyên nhân, cách điều trị và biện pháp phòng tránh bệnh ho ở trẻ

Sự thay đổi thất thường của thời tiết tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus sinh sôi. Trong khi hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt, sức đề kháng yếu kém nên các bé khó có thể tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp. Nổi bật trong đó phải kể đến là bệnh ho. Không ít các bà mẹ cảm thấy căng thẳng, lo lắng và ám ảnh với tiếng thở khò khè cùng những cơn ho dai dẳng của con. Biết lắng nghe cơ thể của bé, đồng thời trau dồi cho mình những kiến thức và hiểu biết về nguyên nhân, cách điều trị và biện pháp phòng tránh chính là cách để mẹ bảo vệ con yêu khỏi triệu chứng thường gặp ấy một cách hiệu quả.

Nguyên nhân và cách điều trị khi trẻ bị ho

Tìm hiểu nguyên nhân, cách điều trị và biện pháp phòng tránh bệnh ho ở trẻ Ảnh 1
 

Ho là gì?

Ho là một phản xạ có điều kiện xuất hiện đột ngột và thường lặp đi lặp lại, nhằm bảo vệ đường hô hấp, giúp loại bỏ các chất bài tiết, chất có thể gây kích thích, các hạt ở môi trường bên ngoài và các vi khuẩn bám vào đường hô hấp.
Do đó, ho không phải là một căn bệnh mà là một phản ứng tự bảo vệ của cơ thể, là cách để cơ thể làm sạch đường thở, đẩy các chất đờm, dính, vi khuẩn, bụi khỏi đường thở. Song, ho là triệu chứng của các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa hoặc của một số ít bệnh tim mạch.
Phản xạ ho bao gồm ba giai đoạn: hít vào, một cơ chế buộc phải thở ra, hơi thở ép vào thanh môn đang đóng kín, lượng không khí từ phổi thoát mạnh ra ngoài sau khi thanh môn mở ra, và thường đi kèm với một âm thanh đặc trưng. Ho có thể xảy ra một cách cố ý lẫn vô ý. Nhiều virus và vi khuẩn có thể truyền nhiễm từ vật chủ này sang vật chủ khác thông qua ho.

Các loại ho thường gặp ở trẻ

Ho khan

Ho khan thường gây ra rất phiền nhiễu cho trẻ và thường xảy ra vào những đêm trời trở lạnh. Ho khan có xu hướng sẽ trở nên nặng hơn vào ngày hôm sau và vào bất cứ khi nào trẻ vận động. Đây là tình trạng ho không có đờm, thường gặp khi bị viêm họng, ngạt mũi hay hắt hơi, chảy nước mũi, không phải do viêm phổi hay viêm phế quản. Khi ho sẽ khiến cho trẻ bị nôn, trớ, dễ làm cho bé mệt mỏi, chán ăn sau mỗi lần ho. Ho khan giúp trẻ được làm sạch nước mũi hoặc những chất kích ứng khó chịu ở trong cổ họng.

Ho có đờm

Các mẹ có thể nhận biết dấu hiệu của ho có đờm ở con khi bé ho thường tiết nhiều đờm loãng hoặc đặc. Tình trạng này xảy ra mỗi khi bé ho có cảm giác nặng ngực, mệt và hơi khó thở. Đây có thể là một trong các triệu chứng của bệnh về đường hô hấp cùng với sự viêm nhiễm do vi khuẩn gây ra như bệnh viêm xoang hay viêm phế quản ở trẻ.

Ho sù sụ

Bệnh này xảy ra do dị ứng thời tiết khi thay đổi nhiệt độ hoặc là do virus gây nhiễm trùng đường hô hấp. Trẻ thường hay ho sù sụ mỗi khi về đêm và dễ nhận thấy khi mẹ nghe tiếng thở lớn của bé do nhiễm trùng hay do sưng phần trên của đường hô hấp. Đa số các trường hợp ho này là do bệnh bạch hầu thanh quản, một dạng bệnh nhiễm trùng thanh quản và khí quản. Bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi rong giai đoạn từ giữa tháng 10 tới tháng 3 của năm sau.

Ho khò khè

Ho đi kèm với chứng thở khò khè có thể là dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp dưới, khi đường hô hấp bị cản bởi vật thể lạ hay do nước nhầy từ nhiễm trùng đường hô hấp tiết ra. Trẻ thở nhanh và gấp hơn, do đó mẹ có thể dễ dàng nhận thấy sự khó chịu của con. Nguyên nhân gây ra cơn ho này là do viêm phế quản, phế quản là đường thở nhỏ nhất trong phổi, khi chúng sưng lên và đầy chất nhờn, trẻ sẽ cảm thấy khó thở.

Ho gà

Đây là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn bordetella và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Các triệu chứng khi trẻ bị ho gà là ho nhiều, chảy nước mũi, hắt hơi và sốt nhẹ. Trẻ bị cảm lạnh hơn 1 tuần rồi sau đó chuyển sang giai đoạn ho nhiều, thậm chí ho đến hơn 20 lần mỗi khi thờ. Trẻ sẽ bị khó thở và khi hít vào trẻ sẽ tạo ra những tiếng thở như tiếng gà. Ho gà là chứng bệnh dễ lây lan. Vi khuẩn có thể lây từ người bệnh qua chất dịch đưa vào không khí lúc trẻ ho hay hắt hơi.

Yếu tố gây ra cơn ho ở trẻ và cách xử trí

Tìm hiểu nguyên nhân, cách điều trị và biện pháp phòng tránh bệnh ho ở trẻ Ảnh 2
 

Trẻ bị dị ứng thời tiết

Giao mùa, thường là từ sau tháng 7 là khoảng thời gian mà thời tiết thất thường, thay đổi liên tục từ nóng sang lạnh rồi từ lạnh sang nóng, trong vài ngày, thậm chí từ sáng đến chiều, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Hầu hết, trẻ ho nhiều mỗi khi có gió mùa hoặc không khí lạnh về. Với những trẻ ho do nguyên nhân này thường không có biểu hiện rõ rệt, không sốt, không chảy nước dãi, chỉ ho khan. Cơn ho khan thường nhẹ và thường không kéo dài.

Trong trường hợp này, trẻ cần được điều trị bằng thuốc dị ứng (các loại kháng histamin), thuốc giảm tiết chảy nước mũi, thuốc giảm mẫn cảm kết hợp siro làm dịu ho. Ngoài ra, vì trẻ thường nhiều đờm, nên cần làm cho các bé sổ được đờm ra, có thể bằng siro ho long đờm hay bằng vỗ rung. Cách vỗ rung rất đơn giản. Mẹ khum bàn tay lại rồi vỗ đều vào vùng lưng bé, phần giữa hai bả vai, làm nhịp nhàng liên tục và nên để bé nằm hoặc ngồi với tư thế đầu hơi dốc xuống. Sau động tác này, trẻ có thể sẽ ho nhiều và nôn, khạc ra đờm nên cần làm lúc trẻ đói, tốt nhất là buổi sáng ngủ dậy, khi bé chưa ăn gì.

Dị vật đường thở

Khi bị mắc dị vật trong đường thở, trẻ ho sặc sụa, có cơn ngạt thở, tím tái, vã mồ hôi, chảy nước mắt nước mũi. Trường hợp dị vật đường thở bỏ quên sẽ khiến trẻ ho kéo dài và viêm phổi tái phát.

Do đó, trong quá trình bé ăn uống, nếu đang bình thường bỗng có các dấu hiệu ho sặc sụa, ngưng thở, tím tái, trợn mắt thì phải nghĩ ngay bị dị vật đường thở và cần nhanh chóng sơ cứu đưa bệnh nhân tới viện để gắp dị vật ra. Còn nếu sau cơn ho, tím tái rồi lại trở lại bình thường, nhưng sau đó trẻ thường xuyên ho dài ngày, tái diễn thì nên đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khám để loại trừ nguyên nhân do hóc dị vật bỏ quên.

Trào ngược dạ dày thực quản

Biểu hiện bệnh rõ rệt khi thấy tiếng ho khàn, khò khè, lách cách đứt quãng và bé ho dai dẳng sau khi ăn xong. Trẻ thường trào ngược sau bữa ăn 30 phút - 1 giờ, khi thay đổi tư thế, hoặc trong bữa ăn do cơ thắt dưới thực quản tự mở ra. Cơn ho thậm chí trở nên tệ hơn khi bé nằm xuống. Bên cạnh đó, bé cũng có thể cảm thấy nóng rát và buồn nôn hoặc ợ khi nuốt xuống. Ở những bé sơ sinh có thể bị đau bụng và khó chịu, ở những bé lớn hơn đang tập đi có thể dần hình thành một thói quen ăn uống thiếu khoa học vì hay bị trào ngược khi ăn xong. Nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày là do cơ giữa thực quản và dạ dày của bé còn yếu, dẫn đến axit bị chảy ngược lại. Đôi khi các loại nước kích thích có thể xâm nhập vào phổi và gây ra các cơn ho mãn tính ở trẻ.

Cách xử trí đơn giản là mẹ giữ bé ngồi thẳng ít nhất 30 phút sau khi ăn, để bé gối cao đầu trong lúc ngủ. Với những trẻ lớn hơn các mẹ không nên cho con ăn một số loại thức ăn có chứa nhiều chất kích thích có khả năng làm bệnh nặng hơn như nước uống có ga, có caffein, socola, bạc hà, đồ ăn cay hay các loại đồ ăn nhanh nhiều chất béo. Đặc biệt không được ăn trong vòng 2 tiếng trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, đối với trường hợp bé ho khò khè kéo dài hơn hai tuần tốt nhất mẹ nên đưa bé đo khám bác sỹ chuyên khoa.

Cảm cúm

Trẻ bị cảm cúm có thể kéo theo các cơn ho từ nhẹ, trung bình cho đến mức độ nghiêm trọng hơn, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bé. Mẹ có thể thấy con bị khản giọng, ho khan hoặc ho ướt không phân biệt ngày hay đêm. Bé còn bị rát cổ và thấy đau đầu, đau lưng hay đau chân. Cảm cúm là bệnh do virus gây ra thường trong khoảng thời gian từ tháng tư đến tháng mười một.

Tốt nhất, mẹ nên cho bé uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước ở trẻ. Đồng thời có thể kết hợp sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng để giảm bớt sự tắc nghẽn ở đường hô hấp của con. Song cần gọi bác sỹ ngay nếu con sốt trên 38,6 độ C và bé có biểu hiện bị tiêu chảy, không muốn ăn.

Viêm tắc thanh quản

Bé phát ra tiếng ho khô khác biệt so với các cơn ho khác và thường bắt đầu vào buổi đêm. Tiếng ho của trẻ bị viêm tắc thanh quản không giống như bất cứ một cơn ho bình thường nào mà các mẹ biết. Căn bệnh này của trẻ thường trở nên tệ hơn vào ban đêm và bé có thể bị sốt nhẹ. Bệnh này do virus lây lan gây bệnh khiến cho cổ họng và khí quản bị sưng và thu hẹp lại. Phần lớn trẻ em từ sáu tháng đến ba tuổi rất dễ nhiễm căn bệnh này.

Để giảm triệu chứng ho do viêm tắc thanh quản ở trẻ, mẹ nên để bé trong phòng tắm ướt khoảng 5 phút để độ ẩm giúp bé long đờm trong phổi và kiềm chế cơn ho. Ban đêm nết khi trời trở lạnh các mẹ có thể cho bé mặc quần áo dài và ủ ấm bé trong chăn tuy nhiên cần để không khí trong phòng thoáng đãng thay vì đóng kín cửa. Nếu sau khoảng 4 ngày mà tình trạng ho của bé không chấm dứt hay có dấu hiệu thuyên giảm thì lúc này mẹ nên đưa bé đến gặp bác sỹ để được điều trị kịp thời.

Ho gà

Bệnh do vi khuẩn lây nhiễm gây ra, lây lan qua đường hô hấp, khiến cho cổ họng, khí quản và phổi của bé bị viêm gây nên căn bệnh ho gà. Với những trẻ chưa được tiêm chủng phòng ngừa căn bệnh này thì sẽ có khả năng bị nhiễm nhiều hơn. Biểu hiện điển hình của bệnh ho gà là trẻ xuất hiện ho cơn từ 15 ngày đến 3 tuần, trẻ nhỏ ho cơn kéo dài, kèm theo nôn trớ khi ho, ngừng thở, tím tái sau cơn ho, chậm nhịp tim. Trẻ phát ra nhiều tiếng ho khan, khô khốc và rất nhanh, có thể lên tới 25 lần ho trong một lần thở.

Trẻ em bị ho gà cần được nhập viện để bác sỹ kiểm chế cơn ho và hút đờm từ cổ họng cho bé. Căn bệnh này thường được trị bằng thuốc kháng sinh và có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí cả tháng trời.

Cách phòng tránh chứng ho ở trẻ

Tìm hiểu nguyên nhân, cách điều trị và biện pháp phòng tránh bệnh ho ở trẻ Ảnh 3
 
Để bảo vệ sức khỏe con yêu, các mẹ cần thực hiện nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Hãy bỏ túi các bí quyết được chia sẻ dưới đây để giúp trẻ nói không với chứng ho và khỏe mạnh mẹ nhé.

Cho trẻ bú sữa mẹ để tăng cường sức đề kháng

Tăng cường cho bé bú sữa mẹ để nâng cao sức đề kháng. Với trẻ sơ sinh, sức đề kháng còn kém nên khả năng bị ho thường sẽ rất cao. Do đó, việc các mẹ cần cho con bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu để tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho trẻ là một điều hết sức quan trọng.

Đây là một bước cần thiết cho sự phát triển và tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên của bé. Các kháng thể trong sữa mẹ giúp trẻ sơ sinh hình thành hệ thống phòng thủ tự nhiên trong cơ thể nhanh hơn và có khả năng chống lại nguy cơ bị nhiễm trùng.

Giữ vệ sinh sạch sẽ

Vi khuẩn, virus tồn tại ở khắp mọi nơi, sinh sản nhanh chóng và gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm nhất là đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là các bệnh hô hấp. Do đó, để bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ tiềm ẩn, tốt nhất các mẹ nên phòng bệnh từng ngày bằng cách vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể cho bé.

Thường xuyên cắt móng tay, rửa tay cho bé trước khi ăn và sau mỗi lần vận động. Vệ sinh răng miệng, vệ sinh mũi họng cho bé, vệ sinh môi trường xung quanh như giường ngủ, phòng vệ sinh, và các đồ dùng thường nhật của trẻ. Kết hợp với việc đeo khẩu trang cho bé mỗi khi ra ngoài để ngăn ngừa virus, vi khuẩn lây qua đường hô hấp.

Bảo vệ đường hô hấp cho bé

Ngạt mũi là một trong những hiện tượng phổ biến và thường hay gặp ở trẻ trong mùa lạnh do thể tích hố mũi của bé rất nhỏ. Trong khi các bé chưa biết thở bằng miệng nên ngạt mũi lại càng khiến bé khó chịu, quấy khóc.

Vì vậy, các mẹ luôn phải giữ ấm cho trẻ, vệ sinh mũi hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Bởi khu vực mũi họng là nơi tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân trong không khí như vi khuẩn, virus, bụi, khói… nên cũng là nơi dễ dàng bị kích ứng, viêm nhiễm.

Theo đó, các chuyên gia khuyên cha mẹ nên giữ ấm đường thở cho bé trong mùa đông bằng các biện pháp như mặc ấm, giữ ấm cổ họng, đeo khẩu trang khi ra đường, đội mũi kín tai, ăn uống thức ăn, đồ uống ấm. Như thế, mẹ đã giúp bé giảm thiểu đáng kể nguy cơ viêm đường hô hấp.

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho trẻ

Cung cấp đầy đủ dưỡng chất bằng chế độ ăn uống khoa học là cách tự nhiên và đem lại hiệu quả tối ưu để tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho trẻ, nhằm phòng tránh những bệnh lý về đường hô hấp. Trong trường hợp trẻ không được đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, cơ thể sẽ thường xuyên rơi vào tình trạng mệt mỏi, hệ miễn dịch suy yếu, khó tránh khỏi sự tấn công của vi khuẩn, virus.

Đối với trẻ sơ sinh thì cần được bú mẹ hoàn toàn trong suốt 6 tháng đầu để có khả năng phòng chống bệnh và có điều kiện phát triển toàn diện nhất. Còn với những bé lớn, chế độ dinh dưỡng hợp lý với các loại thực phẩm đa dạng là cách tốt nhất để tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh bữa chính, mẹ nên cho bé ăn thêm các loại trái cây giàu sinh tố như đu đủ, dâu tây, cam,… bằng cách ăn trực tiếp hoặc nước ép lấy nước. Các loại thức uống ấm như nước cam, nước chanh ấm, sữa ấm hoặc trà thảo dược pha mật ong… đều tốt cho họng của bé, có tác dụng giúp làm mỏng lớp dịch nhầy trong họng bé, giúp bé dễ dàng ho và đẩy dịch ra ngoài hơn.

Bên cạnh đó, mẹ cũng cần lựa chọn các loại rau xanh và trái cây có màu chứa nhiều sắt, kẽm và vitamin hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cơ thể như cà rốt, súp lơ, cà chua, bí đỏ, rau dền…hay sữa chua với rất nhiều vi khuẩn có lợi đặc biệt là probiotic, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt và tạo điều kiện cho cơ thể trẻ chống lại bệnh tật, nhất là những bệnh phổ biến như cảm lạnh, nhiễm trùng tai và viêm họng.

Xem thêm: 16 bệnh thường gặp ở trẻ cha mẹ cần lưu ý

Những chia sẻ bổ ích trên hy vọng đã giúp các mẹ trang bị cho mình kiến thức cần thiết và biết cách bảo vệ bé yêu trước mỗi cơn ho, để con được phát triển khỏe mạnh trong điều kiện tốt nhất.
Dương Duyên

Dương Duyên



Đăng ký nhận thông tin khuyến mại