Đang thực hiện
Tên đăng nhập
Mật khẩu
 
Quên mật khẩu
Tổng đài: 0936 320 777
0 Giỏ hàng của bạn
Vận chuyển toàn quốc

4 nguyên tắc “vàng” giúp mẹ bầu khỏe mạnh sau Tết

15/02/2019

4 nguyên tắc “vàng” giúp mẹ bầu khỏe mạnh sau Tết

Trong giai đoạn mang thai, sức đề kháng của mẹ bầu vốn đã yếu hơn bình thường. Vậy nên, trước sự thay đổi đột ngột về thói quen sinh hoạt những ngày trước, trong và sau Tết, mẹ khó tránh khỏi các vấn đề về sức khỏe khi không chú ý chăm chút cho bản thân với chế độ dinh dưỡng khoa học hay lộ trình tập luyện bài bản. Theo dõi bài viết dưới đây để có một cái Tết an lành và khỏe mạnh các mẹ nhé.

Xem thêm:

Những vấn đề mẹ bầu gặp phải sau Tết

4 nguyên tắc “vàng” giúp mẹ bầu khỏe mạnh sau Tết Ảnh 1
 

Rối loạn tiêu hóa – Táo bón

Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ thay đổi rất nhiều với sự gia tăng của nồng độ hormone progesterone được tiết ra nhằm giúp nới lỏng các cơ trong cơ thể người mẹ và giúp thai nhi phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng gây ảnh hưởng đến đường ruột và hệ tiêu hóa của mẹ bầu. Các cơ nới lỏng làm đẩy áp lực lên hệ tiêu hóa, dẫn đến việc đào thải chất thừa ra ngoài gặp khó khăn, dẫn đến mẹ bầu dễ phải đối mặt với các chứng bệnh đường tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, ăn không tiêu.

Nhất là vào những ngày Tết khi mà chế độ ăn uống cùng thói quen sinh hoạt thường ngày bị xáo trộn, nguy cơ mắc các chứng rối loạn tiêu hóa ở mẹ bầu càng tăng cao. Việc mẹ bầu bổ sung quá nhiều các món ăn giàu chất đạm và chất béo như bánh chưng, bánh tét, thịt gà, giò, chả, nem, xúc xích, lạp xưởng, các món xào cùng một lượng bánh kẹo, đồ ngọt không nhỏ vào cơ thể chính là nguyên nhân khiến mẹ dễ rơi vào tình trạng táo báo sau Tết. Ngoài ra, thời gian này, các mẹ cũng thường ăn uống không đúng giờ giấc và ít vận động khiến tình trạng táo bón ngày càng trở nên nặng nề.

Điểm danh các loại thực phẩm ngày Tết khiến mẹ bầu dễ mắc chứng rối loạn tiêu hóa:
Bánh chưng, bánh tét
Đây là những loại bánh đặc trưng trong ngày tết của người Việt và là món khoái khẩu của không ít mẹ bầu. Tuy nhiên, nguyên liệu làm nên các món ăn truyền thống này lại chứa quá nhiều chất đạm và chất béo nên nếu ăn nhiều sẽ rất đầy bụng và khó tiêu. Do đó, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe thì mẹ bầu không nên ăn nhiều các loại bánh này trong dịp Tết.  
Dưa hành muối
Bên cạnh các món ăn giàu chất dinh dưỡng thì dưa hành là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong bữa cơm tất niên của mỗi gia đình Việt. Với những bà bầu khỏe mạnh thì dưa hành giúp kích thích tiêu hóa tốt, thậm chí, nhiều thai phụ nghén chua trong đó có các món dưa muối, song bản chất của dưa hành là chứa nhiều chất chua, khiến dạ dày tiết dịch vị nhiều hơn và là nguyên nhân làm cho bệnh táo bón tiến triển nặng hơn. Bên cạnh đó dưa hành muối là loại thực phẩm chứa nhiều muối, nếu ăn nhiều cũng sẽ không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, nếu bạn bị viêm loét dạ dày hoặc mắc các chứng bệnh về rối loạn tiêu hóa khi mang thai thì nên loại món ăn này khỏi thực đơn hàng ngày của mình.
Thức ăn đóng hộp
Tết là khoảng thời gian mẹ bầu bận rộn đi thăm hỏi chúc Tết và không có thời gian để chăm chút cho bữa ăn của mình nên việc sử dụng thức ăn đóng hộp sẵn là chuyện dễ hiểu. Tuy đây là một loại thực phẩm rất tiện lợi nhưng nó lại nằm trong danh sách thực phẩm gây táo bón bởi nó chứa ít chất xơ, lại nhiều chất béo và muối do cần bảo quản lâu. Điều này gây cản trở khả năng đào thải chất cặn bã của cơ thể, từ đó khiến mẹ bầu bị táo bón.
Các loại bánh kẹo và mứt
Bánh ngọt, bánh xốp, bánh nướng hay kẹo, mứt Tết và tất cả các chế phẩm từ đường có hàm lượng chất xơ thấp nhưng hàm lượng chất béo và đường lại rất cao. Những loại đồ ngọt này càng làm tăng nguy cơ chứng táo bón mãn tính. Mẹ bầu nên hạn chế ăn bánh kẹo mứt các loại để tránh nguy cơ táo bón trở nên nghiêm trọng hơn.
Lẩu
Vào những ngày Tết se lạnh và nhất là khi những bữa cơm Tết truyền thống đã gây cảm giác nhàm chán thì lẩu trở thành vị cứu tinh cho mỗi gia đình, giúp kích thích vị giác của các thành viên và thay đổi không khí một cách hiệu quả. Song, lại là món mà mẹ bầu cần hạn chế ăn vì nó rất dễ làm tổn thương hệ tiêu hóa và gây nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là lẩu chưa chín kỹ có thể dẫn tới chứng giun sán. Việc ăn lẩu cũng có thể gây hại cho dạ dày và đường ruột. Bà bầu cũng nên đặc biệt tránh món lẩu cay vì vị cay dễ làm tổn thương dạ dày và ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Mụn nhọt

Khi mang thai, mẹ bầu vốn đã dễ bị mụn hơn bình thường do thời gian này nội tiết tố cơ thể người phụ nữ bị rối loạn. Các nghiên cứu cho thấy, thai kỳ khiến cho chất androden được tiết ra nhiều, từ đó kích thích tăng bã nhờn trên da, làm tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến mụn nhanh chóng sinh sôi và phát triển, không chỉ trên da mặt mà còn có thể lan ra khắp cơ thể.

Ngày Tết, chế độ ăn uống không lành mạnh cùng chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo càng tạo điều kiện thuận lợi cho mụn nhọt tấn công cơ thể mẹ bầu.

Tăng cân

Mẹ bầu tăng cân khoa học là khi mẹ ăn vào con thay vì vào mẹ. Tuy nhiên, ngày Tết với quá nhiều món ăn ngon hấp dẫn khiến mẹ khó lòng kiềm chế và ăn uống thiếu khoa học khiến cho cơ thể tăng cân vùn vụt nhưng thai nhi lại không thể hấp thụ được. Một vấn đề của việc tăng cân quá nhanh, không kiểm soát được trong dịp Tết mà các mẹ cần hết sức lưu ý đó là nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của bé. Ngoài ra, điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi mà còn là nguyên nhân khiến mẹ khó giảm cân sau sinh.

Bí quyết giúp mẹ bầu đón Tết với một thai kỳ khỏe mạnh

Thanh lọc cơ thể với chế độ dinh dưỡng khoa học

4 nguyên tắc “vàng” giúp mẹ bầu khỏe mạnh sau Tết Ảnh 2
 
Ăn uống chừng mực và lành mạnh
Quan niệm ăn cho hai người là một sai lầm phổ biến thường gặp ở không ít mẹ bầu. Với suy nghĩ rằng, mẹ phải tăng chế độ ăn lên gấp đôi so với bình thường thì bé mới được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Song, trên thực tế, một chế độ dĩnh dưỡng khoa học với lượng thức ăn hợp lý mới chính là chìa khóa để bé được phát triển tốt nhất.

Do đó, ngay cả trong dịp Tết khi mẹ phải tất bật với việc lo sắm Tết, tiêu tốn khá nhiều năng lượng thì mẹ cũng chỉ cần bổ sung 300-500 kcal/ngày là đủ. Mẹ cũng nên chú ý chọn ăn món nhiều rau xanh, ít tinh bột, dễ tiêu thay cho những món đầy gia vị, chiên béo ngậy, không tốt cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Không bỏ bữa sáng
Bữa sáng luôn là bữa ăn cần thiết và quan trọng nhất trong ngày đối với bất cứ ai, đặc biệt là với sức khỏe mẹ bầu. Tuy nhiên, một số mẹ bầu lại bỏ qua bữa ăn sáng do thói quen hoặc do sự thay đổi nhất thời trong giờ giấc sinh hoạt, nhất là vào những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên Đán. Điều này không chỉ khiến mẹ bầu mệt mỏi mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi.

Bữa ăn sáng được đánh giá là bữa ăn tạo sự tiền đề cho sự phát triển, cân nặng thai nhi. Vì sau một giấc ngủ đêm dài và ngay cả trong khi ngủ thì mẹ bầu vẫn cần rất nhiều năng lượng để cung cấp dưỡng chất cho cơ thể thai nhi tiếp tục phát triển. Trong khi sức khỏe mẹ bầu vô cùng nhạy cảm nên nếu không được chăm sóc đúng cách thì với sức đề kháng thấp mẹ và bé rất khó tránh khỏi việc mắc phải các bệnh tật trong thai kỳ.

Bên cạnh đó, cũng đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tiêu thụ bữa ăn sáng giàu protein giúp mẹ bầu kéo dài cảm giác no trong ngày, qua đó giảm ăn vặt và có lộ trình tăng cân hợp lý. Sở dĩ có được ưu điểm này là nhờ khả năng cân bằng lượng đường huyết của cơ thể mẹ vì được cung cấp đủ protein. Vì thế, mẹ bầu bỏ bữa sáng dễ bị rối loạn hệ tiêu hóa, ảnh hưởng xấu đến dạ dày, giảm chức năng miễn dịch vốn đã rất yếu của cơ thể trong thai kỳ. Vậy nên, dù mẹ có chế độ ăn uống đầy đủ, nhưng lại bỏ qua bữa sáng, hoặc không cung cấp bữa ăn sáng kịp thời cho cơ thể cũng sẽ là nguyên nhân khiến thai nhi chậm phát triển.
Chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm
Ngày Tết, mẹ bầu càng đặc biệt cần lưu ý đến chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thời gian này, các gia đình thường dự trữ đồ ăn và thực phẩm có thể được sử dụng trong nhiều ngày. Mẹ không nên sử dụng những thực phẩm đã lưu trữ quá 3 ngày trong tủ lạnh để tránh đau bụng, ngộ độc thực phẩm, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Bổ sung nhóm thực phẩm tốt cho mẹ bầu
Để đảm bảo sức khỏe tốt nhất, mẹ bầu cần chú ý cân bằng dinh dưỡng những ngày trước, trong và sau Tết. Những ngày Tết với quá nhiều món ăn giàu protein và chất béo khiến cơ thể mẹ bầu dư thừa năng lượng và trở nên ì ạch thì khoảng thời gian sau Tết là lúc mẹ cần thanh lọc cơ thể với thực đơn dinh dưỡng giàu vitamin và khoáng chất.
Gạo lứt
Ngày Tết, cơ thể mẹ bầu phải làm việc quá tải sau những ngày dài nạp vào quá nhiều chất dinh dưỡng. Do đó, mẹ bầu cần tăng cường khả năng làm việc của hệ tiêu hóa, đồng thời thúc đẩy hệ miễn dịch để phòng tránh bệnh dễ lây nhiễm vào thời điểm giao mùa Đông - Xuân bằng cách chọn gạo lứt để ăn mỗi ngày. Bởi lẽ, gạo lứt cung cấp nhiều chất xơ giúp tăng cường hệ miễn dịch và đặc biệt tốt với mẹ bầu vì lượng carb cao. Đồng thời, gạo lứt còn hạn chế tình trạng táo bón mà các mẹ bầu hay gặp phải trong suốt thai kỳ, nhất là trong dịp Tết.
Rau bắp cải
Rau bắp cải trở nên rất phổ biến vào những ngày sau Tết. Với việc chứa chất hóa học thực vật được gọi là glucosinolates, rau bắp cải giúp chuyển hóa thành hợp chất tăng cường enzym thanh lọc và giúp loại bỏ các chất gây ung thư khỏi cơ thể mẹ bầu.  Ngoài ra, nếu uống một cốc nước cải bắp mỗi ngày, mẹ bầu có thể làm dịu dạ dày, cung cấp đủ lượng vitamin C cần thiết, giúp tăng cường hệ miễn dịch, cũng như vitamin K, hỗ trợ trong việc đông máu. Không những thế, nước cải bắp còn dồi dào về chất xơ, giúp giảm nguy cơ táo bón cho mẹ bầu.
Bí đỏ
Bổ sung bí đỏ trong thực đơn là giải pháp giúp phòng trị cao huyết áp và phù nề ở phụ nữ mang thai. Dinh dưỡng có trong cây và quả bí đỏ rất phong phú, phụ nữ có thai ăn rau, quả, hay hoa của bí đỏ không những có thể thúc đẩy sự phát triển tế bào thần kinh ở thai nhi, tăng cường hoạt tính cho tế bào não, mà còn có thể phòng trị chứng cao huyết áp, chứng sưng phù khi mang thai, thúc đẩy máu đông và phòng chống chảy máu nhiều sau sinh, đảm bảo sức khỏe tốt cho mẹ và thai nhi.
Khoai lang
Hệ bài tiết của cơ thể mẹ bầu sẽ hoạt động trơn tru hơn rất nhiều nếu tiêu thụ khoai lang thường xuyên. Vậy nên, lợi ích thiết thực nhất của loại củ này là hạn chế bị táo báo ngày Tết, tăng cường quá trình đào thải độc tố. Hơn nữa, Vitamin B6, B12, và vitamin B folate thúc đẩy chức năng chuyển hóa của tế bào. Khoai lang còn được biết đến với vai trò tốt cho hệ miễn dịch, phòng ngừa bệnh tiểu đường, chống viêm nhiễm, bệnh viêm khớp. Đặc biệt, trong khoai lang chứa nhiều vitamin B6, có tác dụng giảm buồn nôn đối với các bà bầu mang thai trong thời kỳ đầu thường hay bị ốm nghén, cảm thấy buồn nôn hoặc hay nôn ọe, ăn uống không ngon miệng. Khoai lang cũng là thực phẩm phòng cao huyết áp khi mang thai.
Táo
Táo là loại quả có chứa thành phần dinh dưỡng phong phú, đặc biệt là các loại vi chất, sinh tố, vitamin và axit hoa quả. Ngoài ra, táo còn chứa kali và các chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa bệnh ung thư và lão hóa ở con người. Lượng canxi trong táo cũng cao hơn trong các loại hoa quả khác, giúp trung hòa lượng muối dư thừa trong cơ thể. Táo không những có hương thơm dễ chịu, vị chua ngọt mà còn là thành phần cần thiết để tạo thành xương và răng cho thai nhi. Táo còn giúp bà bầu phòng ngừa hiện tượng mềm xương và bí tiện. Bên cạnh đó, hương thơm của quả táo còn có tác dụng an thần cho bà bầu. Như vậy, ăn táo thường xuyên được xem là giải pháp tự nhiên và hiệu quả để mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh trong dịp Tết.
Bưởi
Bưởi chứa nhiều vitamin C, B, beta carotene, canxi, protein, sắt. Đây là loại trái cây có vị chua, ngọt, mát, chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi. Ăn bưởi tươi hoặc uống nước ép là một cách bổ sung nguồn dưỡng chất rất tốt cho sức khỏe mẹ bầu. Ngoài tác dụng cung cấp cho cơ thể mẹ bầu dưỡng chất, giải khát, là món ăn nhẹ, bưởi còn có công dụng làm đẹp, giúp mẹ bầu có da dẻ hồng hào, tóc bóng mượt.
Chanh
Để thanh lọc cơ thể, chanh được xem là lựa chọn lý tưởng cho các mẹ bầu. Chanh là loại quả chứa nhiều vitamin C, rất tốt cho làn da và giúp phòng chống việc tạo thành các gốc tự do gây nên bệnh tật. Hơn nữa, nếu uống nước chanh thường xuyên, mẹ bầu còn giúp cơ thể trung hòa kiềm tốt hơn, có lợi cho hệ miễn dịch. Nếu có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, mẹ bầu nên uống một cốc nước chanh khi bắt đầu ngày mới.
Cam
Cam là một trong những loại trái cây có chứa nhiều vitamin C, vitamin A, canxi và chất xơ... rất bổ dưỡng cho cơ thể phụ nữ mang thai. Chất limonoid có trong nước cam giúp ngăn ngừa bệnh ung thư và có tác dụng giải độc, lợi tiểu. Nước cam chứa nhiều canxi và vitamin, mẹ bầu thường xuyên uống nước cam có thể giúp ngăn ngừa loãng xương và các chứng bệnh khác. Bên cạnh đó, chất canxi tập trung nhiều trong vỏ cam nên mẹ bầu có thể ăn thêm vỏ cam cùng với nước cam hoặc cam cắt miếng. Như vậy cam không chỉ tốt cho mẹ mà còn tốt cho cả thai nhi. Tuy nhiên đối với bà bầu đang mắc chứng rối loạn tiêu hóa thì lại nên hạn chế ăn cam để bệnh không trở nên trầm trọng hơn.
Món ăn ngày Tết mẹ bầu nên tránh
Canh măng
4 nguyên tắc “vàng” giúp mẹ bầu khỏe mạnh sau Tết Ảnh 3
 
Đây là một trong những món ăn truyền thống trong bữa cơm gia đình vào dịp Tết nhưng món ăn này không hề tốt cho sức khỏe của phụ nữ mang thai. Măng chứa nhiều độc tố, đặc biệt là glucozit, khi đi vào dạ giày gặp men tiêu hóa, glucozit sẽ bị thủy phân và giải phóng acid xyanhydric, gây ra hiện tượng ngộ độc, với những triệu chứng ngộ độc măng thường gặp như đau đầu, nôn ói, khó thở, tụt huyết áp, thậm chí nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong. Mẹ bầu ăn măng có thể khiến thai nhi bị nhiễm độc, vì vậy tốt nhất mẹ bầu nên tránh những món ăn với măng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mẹ và bé.
Nem chua, thịt chua
Đây cũng là món ăn phải cho vào danh sách đen khi mẹ bầu đón Tết. Bởi những món ăn này đều làm từ thịt sống và lên men này tiềm ẩn những nguy cơ về sức khỏe đối với mẹ bầu. Mẹ bầu ăn sẽ dễ bị nhiễm vi khuẩn Ecoli, gây bệnh tiêu chảy. Không những thế, các thực phẩm muối chua trong ngày Tết thường sử dụng khá nhiều muối, không phù hợp cho mẹ bầu vì chúng có thể dẫn đến chứng sưng phù khi mang thai.
Rau sống
Để thay đổi khẩu vị cho các thành viên với bữa cơm ngày Tết đa dạng thì các món cuốn cũng được nhiều gia đình lựa chọn. Các món cuốn thường được ăn kèm với rau sống. Tuy nhiên, mẹ bầu nên hạn chế ăn rau sống vì có thể chúng chứa ký sinh trùng mà nếu mẹ bầu ăn phải trong 3 tháng đầu có thể gây sảy thai, thai chết lưu hoặc các biến chứng nguy hiểm khác khó có thể lường trước được. Vì vậy hãy loại bỏ các món rau sống ra bữa ăn ngày Tết của mình các mẹ nhé.
Đồ chiên rán
Thực đơn ngày Tết thường có rất nhiều các món chiên, rán nhưng phụ nữ mang thai thường được khuyên không nên ăn mặn, đồ ăn chiến rán. Đồ chiên rán thường không chứa nhiều dưỡng chất và chứa nhiều dầu mỡ không tốt cho thai nhi và có thể khiến mẹ bầu tăng cân quá nhanh. Đồng thời, những loại đồ ăn này có thể sẽ làm gia tăng chứng ốm nghén, nôn ói. Ngoài ra, thực phẩm khi chiên rán sẽ bị biến chất, những chất này sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi thông qua nhau thai, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến não làm cho não thai kém phát triển.Vì vậy, mẹ bầu nên hạn chế những loại thực phẩm nhiều dầu mỡ này để không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.

Duy trì chế độ vận động hợp lý

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng thì nếp sống sinh hoạt dịp Tết luôn là mối quan tâm của các mẹ bầu. Trước Tết, các gia đình thường tranh thủ tổng vệ sinh, dọn dẹp, sửa sang nhà cửa để đón năm mới, rước tài lộc vào nhà. Những ngày này cả gia đình cùng quây quần bên nhau phụ giúp mỗi người một tay để hoàn tất công việc. Tuy nhiên, các mẹ bầu dù có muốn góp sức đến mấy cũng cần tránh các công việc nhà nặng nhọc, tốn sức hoặc phải di chuyển nhiều như lau chùi, chà rửa nhà cửa, giặt giũ, càng cần tránh các công việc phải với cao như quét mạng nhện, lau cửa sổ... Mẹ bầu cần tránh bê vác vật nặng, đặc biệt tránh một số loại hóa chất có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển não của em bé như các chất tẩy rửa, vệ sinh, sơn…Tốt nhất, mẹ có thể dọn dẹp nhà cửa bằng các biện pháp tự nhiên như dùng giấm, chanh hoặc baking soda…để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé một cách tối ưu.

Tết cũng là lúc mẹ bầu bận rộn với nhiều nhu cầu đi lại khác nhau nên các mẹ chú ý đi lại nhẹ nhàng, vận động vừa sức. Tuỳ theo tuổi thai và bệnh lý đi kèm như động thai, dọa sinh non hoặc nhau tiền đạo… và tuỳ theo từng mức độ khác nhau của từng loại bệnh lý mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn chế độ vận động khác nhau bạn nên tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Tết là thời gian mọi người họp mặt, ăn uống và cùng nhau nói chuyện vui vẻ. Tuy nhiên với các bà bầu thì không nên đứng nấu ăn quá lâu hoặc thức cả đêm để vui chơi cùng mọi người vì điều này sẽ dẫn đến căng cơ, gây ảnh hưởng không tốt cho thai nhi, nghiêm trọng hơn là có thể mắc tiền sản giật hoặc sinh non. Nếu các mẹ có ý định làm tiệc mời khách, hoặc làm cúng giỗ trong những ngày Tết, hãy phân bổ công việc hợp lý để các thành viên trong gia đình cùng làm. Không nên làm các món quá cầu kỳ. Trong quá trình này nếu thấy mệt hay có dấu hiệu gì lạ khiến bạn khó chịu bạn hãy dành 30 phút để nằm nghỉ, hít thở sâu và thư giãn chỉ tiếp tục lại công việc khi đã hoàn toàn trở về trạng thái bình thường.

Hơn nữa, mang bầu ngày Tết mẹ thường bị quá tải vận động, nhất là lưng và bàn chân. Khoảng thời gian phải đi bộ nhiều lúc mua sắm, đứng lâu khi tham dự tiệc hoặc tần suất đi lại thăm hỏi họ hàng, bạn bè tăng lên, dễ làm đôi chân nhức mỏi, khiến mắt cá chân bị sưng phù. Vì vậy, bạn nên thư giãn đôi chân sau một ngày di chuyển. Nhúng cả hai bàn chân vào nước ấm và thực hiện massage nhẹ là giải pháp thư giãn đơn giản mà vô cùng hiệu quả.

Ngoài ra, việc ngủ nghỉ của mẹ bầu trong những ngày Tết đến xuân về cũng bị xáo trộn không ít. Các mẹ quá bận rộn với việc lo cho ngày Tết tươm tất và kết quả là làm ảnh hưởng đến thể chất lẫn tinh thần của mẹ. Đặc biệt, những mẹ thức quá khuya dễ gây ra tình trạng thiếu máu, suy giảm khả năng miễn dịch, thai nhi chậm phát triển. Chính vì thế, dù có là Tết đi chăng nữa thì các chị em nào đang bầu bí cũng cần phải ngủ nghỉ đúng giờ giấc, tốt nhất là nên ngủ một giấc dài trên 8 tiếng và ngủ trưa từ 30 – 60 phút mỗi ngày.

Tuy nhiên, đối với những chị em ngủ nhiều thì cần phải vận động nhiều hơn để cân bằng lại thể trạng. Mẹ bầu có thể đi bộ, tập yoga, đi bơi… Với chế độ hợp lý sẽ mang lại sức khỏe tốt cho cả mẹ và bé, đồng thời hạn chế nguy cơ bị động thai. Song, trong 3 tháng đầu, các chị em nên hạn chế đi lại, vận động nhiều. Còn từ những tháng tiếp theo, mẹ bầu nên có chế độ vận động hợp lý. Nhất là 3 tháng cuối nếu vận động thường xuyên sẽ mang lại hiệu quả cho sức khỏe của mẹ và thai nhi, việc sinh nở sẽ dễ dàng hơn.

Hạn chế đến những nơi đông đúc

4 nguyên tắc “vàng” giúp mẹ bầu khỏe mạnh sau Tết Ảnh 4
 
Ngày lễ Tết, mọi người nô nức rủ nhau đi phố dạo chơi, đi du lịch cũng là lúc mẹ bầu phải đặc biệt cẩn thận. Khi mang thai, hệ miễn dịch của bạn hoạt động kém hơn bình thường và hệ quả thường thấy là mẹ bầu dễ bị bệnh hơn hẳn. Trong khi đó, những nơi đông người lại tiềm ẩn rất nhiều loại vi khuẩn, đặc biệt là thời khắc giao nhau giữa hai mùa đông xuân là lúc mà virus vi khuẩn phát tán mạnh mẽ nhất.

Những ngày này các chợ hoa đang được tấp nập người qua lại, các lễ hội ngày Tết cũng đã được lên kế hoạch tổ chức để đem lại cho mọi người một cái Tết sôi động và nhộn nhịp, thêm vào đó việc đi chùa hái lộc đầu xuân, cầu bình an cho cả nhà cũng là một truyền thống của người dân Việt Nam xưa nay. Tuy nhiên, đối với các mẹ bầu nên hạn chế đến những nơi đông người như thế này không chỉ bởi ẩn chứa nhiều mầm bệnh mà tình trạng chen lấn, xô đẩy hoàn toàn không phù hợp với các mẹ bầu, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi, dễ khiến các mẹ bầu bị ngột ngạt, khó thở. Đó là chưa kể đến những tệ nạn tiêu cực như móc túi, cướp giật sẽ rất nguy hiểm cho các mẹ bầu. Đặc biệt các mẹ bầu nên hạn chế đi chùa đầu năm vì khói nhang trong chùa là một hỗn hợp các hóa chất không tốt cho thai nhi. Do đó các mẹ bầu nên tránh đến những nơi này.

Làm đẹp an toàn

Ngày nay, làm đẹp là nhu cầu thiết yếu của phụ nữ và các mẹ bầu cũng phải là ngoại lệ. Dù đang mang thai nhưng mỗi khi ra phố, hay bước chân ra khỏi phòng, chị em cũng luôn mong muốn mình xinh thật xinh đẹp trong mắt người đối diện. Nhất là vào những ngày Tết đi du xuân và gặp gỡ người thân và bạn bè, việc sở hữu một làn da rạng rỡ sẽ khiến các mẹ bầu trở nên tự tin hơn.

Mang bầu là giai đoạn cơ thể phụ nữ chứng kiến nhiều sự thay đổi. Tùy theo cơ địa từng người mà da sẽ đẹp hơn hay xấu đi. Một số mẹ khi mang thai khiến lượng máu lưu thông trong cơ thể tăng lên khiến làn da trắng hồng rạng rỡ. Nhưng có những mẹ khác do mệt mỏi kéo dài, thường xuyên mất ngủ khiến da sạm đi, xuống sắc thấy rõ. Và việc trang điểm hay làm đẹp là điều vô cùng cần thiết với mẹ bầu lúc này.

Tuy nhiên, để đẹp một cách an toàn và bảo vệ sức khỏe cho bé yêu trong bụng, các mẹ bầu cần chú ý chăm sóc da bằng một số phương pháp tự nhiên như: uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, đắp mặt nạ dưỡng da với thành phần tự nhiên theo công thức, mát xa cho da thường xuyên để tăng độ đàn hồi. Mẹ bầu cũng cần bổ sung các dưỡng chất có lợi cho da, cung cấp Vitamin giúp cho làn da sáng khoẻ. Đồng thời, cung cấp độ ẩm cho da, đảm bảo mức cân bằng để da không bị nhờn, nhưng cũng không quá khô. Cùng với đó, việc bổ sung vitamin là điều hết sức quan trọng với sức khỏe và sắc đẹp của mẹ bầu. Bởi chế độ ăn uống hàng ngày thường không cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết. Trong quá trình bổ sung Vitamin, bà bầu cũng cần lưu ý bổ sung loại Vitamin phù hợp để da dẻ hồng hào, tươi tắn tự nhiên.

Bên cạnh dưỡng da bằng những sản phẩm thiên nhiên, mẹ bầu vẫn có thể trang điểm nhẹ để tươi tắn và tự tin đón Tết. Mẹ bầu có thể kết hợp trang điểm nhẹ với các món đồ mỹ phẩm tự nhiên, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và không chứa chất độc như chì, đồng, thủy ngân… Nếu cẩn thận hơn nữa, các mẹ có thể nhờ đến sự tư vấn của chuyên gia thẩm mỹ hay bác sĩ da liễu để có lời khuyên chính xác nhất.

Trên đây là những điều mà mẹ bầu cần lưu ý cũng như bí kíp cần nắm được để có một dịp Tết an lành với thai kỳ khỏe mạnh. Chúc các mẹ bầu có một kỳ nghỉ Tết nhiều niềm vui và ấm áp bên thiên thần nhỏ và những người thân trong gia đình.
 
Dương Duyên

Dương Duyên



Đăng ký nhận thông tin khuyến mại