Đang thực hiện
Tên đăng nhập
Mật khẩu
 
Quên mật khẩu
Tổng đài: 0936 320 777
0 Giỏ hàng của bạn
Vận chuyển toàn quốc

Hành trang mẹ bầu cần mang theo khi đi sinh

23/01/2019

Hành trang mẹ bầu cần mang theo khi đi sinh

Bên cạnh việc trang bị những kiến thức về sinh nở thì việc lên danh sách và sửa soạn những đồ dùng cần thiết là một phần không thể thiếu để hành trình đi đẻ được thuận lợi. Song, cần chuẩn bị những gì để quá trình vượt cạn diễn ra suôn sẻ và chào đón thiên thần nhỏ trong điều kiện tốt nhất là nỗi trăn trở của không ít mẹ bầu. Những thông tin hữu ích dưới đây sẽ giúp mẹ giải tỏa nỗi lo ấy và có một tâm lý thoải mái khi đi sinh.

Xem thêm: 

Đồ dùng cần chuẩn bị

Giấy tờ cần thiết

Hành trang mẹ bầu cần mang theo khi đi sinh Ảnh 1
Các phiếu xét nghiệm - siêu âm
Mẹ bầu cần lưu lại các phiếu khám thai, hình ảnh siêu âm sau mỗi lần khám thai, sắp xếp theo thứ tự từng tuần và mang theo khi đi sinh để bác sĩ có thể xem lại lịch sử phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, phiếu siêu âm/xét nghiệm ở tuần thứ 32 như kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu sẽ được y tá giữ lại để theo dõi. Bởi kết quả siêu âm ở tuần thai thứ 32 sẽ xác định thai nhi có dị tật hay không, các bộ phận của bé phát triển có ổn định hay có ngôi thai, bất thường thai không.
Hồ sơ khám thai
Các mẹ bầu cần tiến hành thăm khám tại bệnh viện dự kiến sinh trước thời gian sinh khoảng 4 – 8 tuần để làm hồ sơ sinh và để các bác sỹ có thể theo dõi thai kỳ. Như vậy, mẹ bầu cần làm hồ sơ sinh từ tuần 32 – 36 của thai kỳ. Hồ sơ sinh bao gồm: kết quả xét nghiệm tổng quát về máu, nước tiểu thai phụ, tiền sử bệnh tật (nếu có). Đến khi đi sinh, mẹ bầu cần mang theo các loại hồ sơ này để giúp bác sĩ có thể nắm rõ tình trạng sức khỏe thai và đưa ra nhận định chuẩn xác nhất. Một lưu ý cho mẹ là phải ghi nhớ số hồ sơ sinh hoặc mã số bệnh nhân để giúp nhân viên y tế dễ dàng tra cứu khi nhập viện.
Sổ khám thai
Khi nhập viện để sinh, bạn cần mang theo sổ khám thai, cuốn sổ ghi chép lại toàn bộ quá trình phát triển thai nhi và những chỉ số cần thiết để chẩn đoán mẹ và bé có thai kỳ ổn định không, có bất thường gì không. Mặc dù mẹ bầu sẽ được khám lại tổng quát nhưng sổ khám vẫn rất cần thiết trong hồ sơ sức khỏe mà mẹ cần mang theo khi đi sinh.

Theo đó, mẹ bầu cần chuẩn bị đầy đủ 3 bộ hồ sơ khám thai gồm 2 bản photo, 1 bản chính trước khi sinh để làm giấy chứng sinh cho bé và thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm y tế cho mẹ.
Giấy tờ tùy thân
Cùng với đó, mẹ bầu cần mang theo các loại giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, bảo hiểm y tế (nếu có). Các giấy tờ này cần được photocopy sẵn mỗi loại 2 bản, không cần công chứng, tuy nhiên, khi đi sinh phải mang theo bản gốc. Hai bản đó sẽ được dùng để nộp lại cho bệnh viện khi làm thủ tục nhập viện và thanh toán viện phí.
Tiền viện phí
Mỗi bệnh viện lại có mức phí tạm ứng khác nhau. Mẹ nên tìm hiểu kỹ viện phí sinh thường và sinh mổ tại bệnh viện mình dự kiến sinh để có thể chuẩn bị tài chính một cách đầy đủ. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần mang dư số tiền cần thiết để chi cho những khoản phát sinh khi nằm viện.

Đồ dùng cho bé

Hành trang mẹ bầu cần mang theo khi đi sinh Ảnh 2
Trang phục
  • Quần áo: Khi mới sinh, bé sẽ dùng quần áo cho trẻ sơ sinh của bệnh viện. Tuy nhiên, mẹ cũng cần chuẩn bị thêm quần áo cho bé để thoải mái thay cần. Mẹ có thể chọn mua khoảng 10 bộ size nhỏ, 10 bộ size lớn nhưng lưu ý chọn loại vải cotton mềm, dài tay và giặt sạch trước khi sử dụng.
  • Áo khoác dài tay bằng vải cotton có mũ: 2 chiếc để khoác cho bé khi đi ra ngoài, đi tiêm phòng
  • Tã vải (dán 2 bên): 5 chiếc
  • Bỉm sơ sinh: 2 gói. Thời điểm 1 – 2 ngày đầu bé thường đi phân su nên mẹ cần chú ý thay tả hoặc bỉm liên tục cho bé.
  • Bao tay, bao chân: 5 đôi
  • Mũ đội đầu, che thóp: 3-5 chiếc
  • Khăn lông lớn (để quấn người và lau khô cho bé sau khi tắm): 3 chiếc
  • Khăn xô tắm cho bé: 2 chiếc
  • Khăn sữa nhỏ, mềm: 20 cái nhỏ (dùng khi cho bú, lau người cho bé…). Lưu ý, mẹ nên phân loại màu sắc khăn vào từng việc khác nhau. Chẳng hạn như, khăn viền đỏ dùng để vệ sinh cho bé; khăn viền xanh mẹ dùng để lau ngực cho mẹ.
  • Yếm (đắp ngực em bé khi ngủ): 5 chiếc
Các đồ dùng này mẹ có thể bắt đầu chuẩn bị từ khi mang thai cho đến ngày sinh.
Dụng cụ ăn uống
  • Bình sữa, núm cao su mềm: 1 bình cỡ nhỏ, 1 bình cỡ vừa để cho bé bú trong những ngày đầu mẹ chưa có nhiều sữa hay có thể dùng làm bình uống nước cho bé.  
  • Hộp sữa công thức cho trẻ sơ sinh: 1 hộp phòng khi sữa mẹ chưa kịp về
  • Cốc, thìa nhỏ: mỗi loại 1 chiếc cho em bé uống nước khi cần
  • Bình giữ nhiệt: 1 chiếc để lấy nước ấm pha sữa cho bé và nước ấm cho mẹ uống
Đồ dùng vệ sinh
  • Dụng cụ rửa bình sữa: 1 bộ. Mẹ không nên chọn loại có lõi kim loại vì có thể rỉ sét và cũng tránh mua loại có gắn mút ở đầu vì hay bị rách dễ bị rơi mút và sẽ khó vệ sinh đáy bình sữa
  • Chậu tắm dài, có lỗ thoát phía dưới: 1 chiếc
  • Chậu tròn để đựng nước tắm lần 2: 1 chiếc
  • Đồ đỡ gác vào chậu tắm để tắm cho bé: 1 chiếc
  • Chậu rửa mặt cho bé: 1 chiếc
  • Chậu giặt đồ cho bé: 1 chiếc cỡ vừa, 1 chiếc cỡ lớn
  • Rơ lưỡi: 40 cái. Dùng cho đến khi con hơn 18 tháng cho bé để hạn chế viêm họng
  • Gạc băng rốn: 10 cái
  • Khăn giấy ướt: 2 hộp
  • Que tăm bông lấy ráy tai cho bé: 1 gói
  • Que bông tiệt trùng: 1 gói. Dùng để lau rốn cho bé sau khi tắm
  • Cồn 70 độ: 1 chai. Dùng để lau rốn cho bé khi chưa rụng
  • Thuốc Povidine: 1 lọ. Thuốc sát trùng, bôi vào rốn khi chưa rụng
  • Nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh: 3 lọ
  • Ống hút mũi: 1 chiếc
  • Nhiệt kế: 1 chiếc. Dùng để đo nhiệt độ cho em bé khi thấy nóng sốt, hoặc theo dõi sau khi tiêm phòng
  • Kem chống hăm: 1 lọ
  • Dầu gội đầu và sữa tắm cho bé: mỗi loại 1 lọ
  • Nước giặt quần áo cho bé: 1 chai

Đồ dùng cho mẹ

Hành trang mẹ bầu cần mang theo khi đi sinh Ảnh 3
 
  • Quần áo: 1 bộ quần áo cotton thoáng mát, dài tay dùng cho phụ nữ sau sinh để dễ dàng cho con bú, đặc biệt với những sản phụ sinh mổ gặp khó khăn khi cử động. Mẹ có thể mang thêm áo có cúc và váy rời. Khi sinh, các sản phụ sẽ mặc trang phục của bệnh viện nhưng sinh xong mẹ được phép mặc đồ của mình mang theo
  • Quần lót: 5 - 10 chiếc. Tốt nhất là loại quần lót giấy, sử dụng một lần
  • Áo ngực cho con bú: 5 chiếc
  • Băng vệ sinh loại lớn: 1 gói
  • Bỉm quần: 3 – 4 miếng. Dùng sau sinh khi sản dịch ra nhiều
  • Tất chân: 3 – 5 đôi
  • Mũ đội đầu, khăn choàng: mỗi loại 1 chiếc
  • Miếng lót thấm sữa: 5 chiếc
  • Dụng cụ hút sữa: 1 chiếc
  • Đồ dùng cá nhân: bàn chải, khăn mặt, kem đánh răng, dầu gội đầu khô, túi đựng quần áo bẩn, lược chải đầu…
  • Đồ ăn: Cần chuẩn bị đồ ăn vặt và nước uống vì cơ thể mẹ cần tiết nhiều sữa cho con nên rất hay đói
  • Son dưỡng môi: Sau sinh nở, sản phụ thường bị mất nước, da sẽ trở nên khô ráp, môi nứt nẻ và sử dụng son dưỡng môi sẽ giúp mẹ thấy thoải mái và tự tin hơn

Lưu ý đối với mẹ bầu sinh mổ

Trước khi sinh
Do thời gian sinh mổ phải nằm viện lâu hơn với sinh thường để đảm bảo vết mổ có thời gian phục hồi và bảo đảm sức khỏe cho mẹ bầu nên mẹ cần mang theo nhiều vật dụng cũng như thực phẩm phù hợp để cải thiện tình hình sức khỏe và phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong dài ngày.

Ngoài ra, mẹ cũng chú ý không ăn uống khoảng 8 tiếng trước khi sinh mổ. Bởi khi sinh mổ bắt buộc phải gây tê hay gây mê và nếu dạ dày chứa thức ăn sẽ xảy ra tình trạng trào ngược thức ăn từ dạ dày vào phổi gây đột tử do tắc nghẽn đường thở hoặc thậm chí là tử vong do viêm phổi, xẹp phổi.
Sau khi sinh
Đây là giai đoạn mà mẹ bầu có thể cảm thấy buồn nôn hoặc ngứa toàn thân do phương pháp gây tê hoặc những đau đớn do vết mổ gây nên. Do đó, cần chuẩn bị những món ăn nhẹ, dễ tiêu hóa cho mẹ bầu trong thời gian này. Tuy nhiên, 12 tiếng sau mổ mẹ mới có thể ăn uống được bình thường.

Mẹ bầu cần lưu ý không chỉ chuẩn bị đồ đi sinh mổ trong trường hợp không đủ điều kiện sinh thường mà còn phải tham khảo các nguyên tắc trước và sau khi thực hiện phẫu thuật để bảo đảm sức khỏe cho mẹ và bé.

Vật dụng không nên mang theo khi đi sinh

Trong quá trình chuẩn bị trước khi sinh, không phải món đồ nào cũng là cần thiết. Dưới đây là những đồ mà mẹ bầu cần nhớ để tránh mang theo khi đi sinh để phòng những tình huống xấu xảy ra.

Trang sức và các đồ đạc quý giá

Hành trang mẹ bầu cần mang theo khi đi sinh Ảnh 4
 
Không chỉ lỉnh kỉnh, vướng víu mà việc các mẹ bầu đeo trang sức trên người khi đi sinh còn gây khó khăn và cản trở cho các bác sỹ tiến hành đỡ đẻ. Và sẽ thật nguy hiểm khi sau sinh những món đồ này có thể vô tình va chạm và làm xước em bé. Ngoài ra, mang trang sức khi đi sinh cũng rất dễ bị mất vì bệnh viện là nơi đông người, khó có thể kiểm soát được đồ đạc cá nhân một cách cẩn thận và bệnh viện không có trách nhiệm bảo quản đồ đạc cho sản phụ.

Kim băng

Mẹ bầu cần tuyệt đối không sử dụng kim băng để cài vì chỉ cần một chút sơ suất cũng có thể gây nguy hiểm cho bé. Thay vào đó mẹ có thể sử dụng các miếng dán vừa an toàn lại vô cùng hiệu quả.

Đồ dùng cá nhân

Bệnh viện với không gian khá chật hẹp, nhất là khi mẹ bầu có thể còn phải nằm chung phòng với các sản phụ khác, sẽ rất rắc rối khi mẹ mang quá nhiều đồ đạc. Nó không chỉ khiến mẹ bầu gặp khó khăn trong việc quản lí đồ dùng cá nhân mà còn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Các phương tiện giải trí

Nhiều mẹ bầu có suy nghĩ rằng, sau khi sinh, mình sẽ có rất nhiều thời gian để thư giãn và đã chủ động chuẩn bị nhiều phương tiện giải trí khác nhau. Tuy nhiên, thực tế mẹ không có nhiều khoảng thời gian rảnh như vậy. Và hơn thế, mẹ cần điều đặc biệt lưu ý là các bà bầu sau khi sinh xong không được sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy nghe nhạc… trong vòng ít nhất 1 tuần sau sinh.

Các vật dụng khác

Ngoài những vật dụng kể trên, còn có rất nhiều thứ cũng nằm trong danh sách mẹ bầu cần để ở nhà như miếng đệm ngực, đồ trang điểm và cũng không nên mang theo những đồ dùng dễ gây cháy, trong đó bao gồm nến, bật lửa.

Trên đây là những chia sẻ bổ ích mà chúng tôi muốn gửi đến các mẹ bầu đang chuẩn bị lên đường đi sinh. Hy vọng qua các thông tin trên có thể giúp các mẹ có một hành trang đi đẻ đủ đầy cho quá trình sinh nở thành công.
 
Dương Duyên

Dương Duyên



Đăng ký nhận thông tin khuyến mại