Đang thực hiện
Tên đăng nhập
Mật khẩu
 
Quên mật khẩu
Tổng đài: 0936 320 777
0 Giỏ hàng của bạn
Vận chuyển toàn quốc

Mách mẹ bầu cách giảm thiểu nguy cơ sinh non

13/02/2019

Mách mẹ bầu cách giảm thiểu nguy cơ sinh non

Tâm lý của mỗi mẹ bầu đều luôn mong muốn con yêu được sinh ra khỏe mạnh trong điều kiện tốt nhất. Vì thế, sinh non là hiện tượng mà không mẹ nào muốn vì nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn gây ra nhiều rủi ro với thai nhi như chậm phát triển, bại não, mù lòa, thậm chí là tử vong. Gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy song đây lại không phải là vấn đề hiếm gặp trong thai kỳ. Vậy, mẹ bầu cần làm gì để hạn chế tối đa tỷ lệ sinh non và có một thai kỳ hoàn hảo? Hãy cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.

Xem thêm: 

Sinh non là gì?

Mách mẹ bầu cách giảm thiểu nguy cơ sinh non Ảnh 1
 
Hiện nay, tỷ lệ sinh non ở các thai phụ là ở khoảng 7-10%. Bất kỳ mẹ bầu nào cũng có nguy cơ sinh non, tuy nhiên, có một số yếu tố nhất định có thể khiến một vài phụ nữ có nguy cơ sinh non cao hơn so với những phụ nữ khác. Tỷ lệ sinh non không chỉ xảy ra ở các nước nghèo, đang phát triển mà ngay cả ở các nước công nghiệp tiên tiến, tỷ lệ trẻ sinh thiếu tháng vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ. Trung bình hằng năm tại 39 quốc gia giàu nhất thế giới vẫn có trên 58.000 ca sinh non trong tổng số 15 triệu trẻ em sinh non trên toàn cầu. Như vậy, số trẻ sinh non đang trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết và điều các mẹ bầu cần làm là trang bị những kiến thức cần thiết về hiện tượng này để từ đó có được cách phòng tránh hiệu quả.

Sinh non là khi trẻ chào đời trước tuần 37 của thai kỳ và chưa có đủ thời gian phát triển trong tử cung.  Trong khi một thai kỳ bình thường kéo dài đến khoảng 40 tuần thì các trường hợp sinh non xảy ra trong giai đoạn từ tuần 22 – 36. Trẻ sinh non rất khó tồn và có nhiều nguy cơ di chứng về cả thể chất lẫn tinh thần. Các thống kê cho thấy 20% trẻ sinh non tử vong trong năm đầu đời. Mẹ bầu sinh càng sớm, em bé càng có nhiều biến chứng về sức khỏe.

Sinh non khiến cho bé phải đối mặt với nhiều vấn đề nguy hiểm như: nhiễm trùng, thiếu máu, vàng da, hạ đường huyết, các vấn đề hô hấp, dị tật tim, chảy máu não và rối loạn tiêu hóa. Kèm theo đó là các nguy cơ tiền phát triển các chứng bệnh nặng nề hơn như bại não, khuyết tật về trí tuệ, hành vi, thị giác, thính giác… Thêm vào đó, do phổi chưa đủ trưởng thành nên trẻ sinh non có nguy mắc các bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản. Trẻ sinh non cũng rất khó nuôi, thường nhẹ cân, chậm lớn, cha mẹ phải mất nhiều công chăm sóc với một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để trẻ phát triển kịp với các các bạn đồng trang lứa.

Dấu hiệu sinh non

Mách mẹ bầu cách giảm thiểu nguy cơ sinh non Ảnh 2

Đau bụng dưới

Trong những tháng cuối thai kỳ, nếu mẹ thấy có những cơn co thắt ở bụng dưới, quặn lên từng cơn rồi hết, sau đó lại lặp lại khoảng 10 phút lặp lại một lần hoặc thường xuyên hơn mà biết rõ rằng không phải do rối loạn tiêu hóa kèm theo những cơn co thắt tử cung, chuột rút, thậm chí cơn đau bụng tăng dần, âm đạo chảy máu thì đây đúng là dấu hiệu của sinh non. Đau bụng từng cơn kèm theo cơn co bóp tử cung là dấu hiệu sinh non rất rõ ràng cho thấy cổ tử cung đang mở dần.

Đau lưng

Những cơn đau lưng ngày càng dồn dập, thường là phần thắt lưng hoặc phần lưng dưới, đặc biệt là với trường hợp trước đó bạn ít khi bị đau lưng, thậm chí là suốt thai kỳ vùng lưng của bạn vẫn khỏe mạnh nhưng bỗng chốc cơn đau lưng xuất hiện dồn dập, đặc biệt là dưới thắt lưng thì cần thận trọng thì hãy nghĩ ngay đến việc bé có thể ra đời sớm. Mẹ có thể đau liên tục hoặc từng cơn. Dù cho mẹ có cố gắng thay đổi tư thế hay cố gắng xoa dịu cơn đau bằng nhiều cách khác nhau nhưng tình trạng đau lưng vẫn không thuyên giảm. Đây là một trong những dấu hiệu chuyển dạ thường gặp ở phụ nữ mang thai.

Buồn nôn

Trong giai đoạn thai từ tuần 20 - 37, nếu các mẹ có cảm giác đau đầu choáng váng, buồn nôn hay mắc chứng tiêu chảy thì sẽ báo hiệu cho thấy thai nhi đang ở tình trạng bất thường có khả năng sinh non.

Dịch âm đạo bất thường

Khi mẹ thấy vùng nhạy cảm luôn trong tình trạng ẩm ướt, thậm chí thấm cả ra ngoài quần và kèm theo chút máu hoặc chất nhầy thì đó là dấu hiệu sinh non. Nếu không thì đó cũng là tình trạng không tốt, cảnh báo mẹ bầu bị viêm nhiễm hoặc thai nhi đang phát triển không bình thường. Các mẹ cần vệ sinh vùng kín hàng ngày và theo dõi, đánh giá mức độ tiết dịch âm đạo để tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Xương chậu đau nhức

Mẹ cảm thấy bị tăng áp lực lên khung xương chậu, thai nhi như đang tụt dần về phía ống sinh, đè nặng lên vùng xương chậu nên có cảm giác nặng nề, đôi khi đau buốt. Nếu trước 37 tuần mà có hiện tượng này thì là dấu hiệu sinh non, mẹ cần hết sức cẩn trọng.

Thai nhi lười vận động

Ở các thời điểm trong ngày, hai nhi thường cử động nhiều về ban đêm, và đây cũng là thời điểm yên tĩnh để mẹ cảm nhận rõ những cử động của bé trong bụng. Thông thường cứ 2 tiếng, bé sẽ có khoảng 10 cử động. Mặc dù bé càng ngày càng lớn lên vào những tháng cuối thai kỳ, bụng mẹ cũng không đủ không gian cho bé vùng vẫy. Tuy nhiên, sẽ là bất thường nếu như bé chuyển động quá ít so với bình thường. Lúc này, mẹ có thể sinh non hoặc gặp phải các vấn đề nguy hiểm khác và cần đi khám để được xử lý kịp thời.

Vỡ nước ối

Chuyện vỡ ối có thể khác nhau với từng người, có người thì nước tuôn ào ào, có người chỉ rò rỉ, nhỏ giọt. Không ít mẹ bầu bị nhầm lẫn giữa rỉ nước ối và bị tiểu són. Nước ối có màu trong, không mùi nên mẹ bầu cần đặc biệt chú ý để biết mình có bị vỡ ối hay không. Vỡ ối sớm hết sức nguy hiểm với thai nhi nên mẹ bầu phải đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Việc cạn ối kéo dài có thể đe dọa tính mạng thai nhi. Và đa phần nếu thai phụ đã vỡ ối và sinh non sẽ phải tiến hành mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Vỡ nước ối là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy bạn sẽ sớm trải qua cuộc sinh nở và chuẩn bị đón bé yêu chào đời.

Nguyên nhân sinh non

Mách mẹ bầu cách giảm thiểu nguy cơ sinh non Ảnh 3
 
Trên thực tế, có tới 40% các ca sinh non không rõ nguyên nhân. Song, 60% ca sinh non có thể xác định đến từ các nguyên nhân sau:

Do thai nhi

Vỡ ối non
Màng ối là môi trường sống bao quanh thai nhi ở trong bụng mẹ, giúp thai nhi hấp thụ oxy mà không cần phải thở. Khi màng ối bất thường như vỡ ỗi non cũng là lúc môi trường sống của thai bị đe dọa, dẫn đến hiện tượng sinh non. Trường hợp này chiếm 10% các cuộc chuyển dạ đủ tháng và 30% trong các cuộc chuyển dạ sinh non, trong đó có 80% các trường hợp vỡ ối non không xác định được nguyên nhân.
Đa ối
Hiện tượng này chiếm khoảng 0,4-1,6% các thai. Trong đó, có khoảng 1/3 trường hợp đa ối có thể gây chuyển dạ sinh non. Đa ối là tình trạng có quá nhiều dịch ối bao quanh em bé trong tử cung. Một trong những nguyên nhân mẹ bị đa ối có thể do em bé bị dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên không phải trường hợp đa ối nào em bé cũng bị dị tật. Mẹ cần phân biệt rõ đa ối sinh lý và đa ối bệnh lý. Hiện tượng đa ối cấp xảy ra từ tuần 16 – 21 có thể gây ra các dấu hiệu chuyển dạ sớm và sinh non.
Viêm màng ối
Viêm màng ối là tình trạng khá nghiêm trọng có thể xảy ra trong thai kỳ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khiến cho vi khuẩn dễ xâm nhập vào bên trong, dẫn đến thai nhi bị nhiễm trùng rất nguy hiểm. Tình trạng viêm màng ối xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập từ âm đạo vào bên trong tử cung. Viêm màng ối thường chỉ xảy ra trong khoảng 2% số ca trẻ sinh ra. Nó có thể khiến thai nhi bị nhiễm trùng và làm kích thích dấu hiệu chuyển dạ sinh non hoặc nghiêm trọng hơn là sảy thai hoặc thai chết lưu vì nhiễm trùng nặng.
Song hay đa thai
Các mẹ bầu mang song hoặc đa thai thường có thời gian thai kỳ ngắn hơn những người khác. Thời gian mang thai trung bình là 280 ngày đối với đơn thai, trong khi song thai là 261,5 ngày và tam thai là 246,5 ngày. Tức là mẹ mang bầu càng nhiều thai, tỷ lệ sinh non càng cao. Bên cạnh đó, những thai nhi dị dạng như thai vô sọ, không có thận, hay bất thường về nhiễm sắc thể, nhiễm trùng...dễ sinh non hơn những thai phát triển bình thường.
Nhau thai bất thường
Nhau thai là nguồn sống chính của trẻ, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng và nếu nhau thai không bám chặt vào thành tử cung, sẽ dẫn đến sự gián đoạn việc cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi. Khi mẹ bầu mắc các biến chứng về bánh nhau như: nhau bong non, nhau tiền đạo, thiểu năng nhau, nguồn dưỡng chất cung cấp cho thai bị đe dọa khiến thai nhi sinh sớm hơn dự tính. Ngoài ra, hiện tượng nhau bám thấp khi tử cung bị dị dạng, có sẹo mổ, có tiền sử điều hòa kinh nguyệt khiến nhau thai nằm không đúng vị trí cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sảy thai, sinh non.

Do mẹ bầu

Mắc các bệnh nội khoa
Với mẹ bầu mắc các bệnh nội khoa như thiếu máu; nhiễm khuẩn cấp hoặc mãn tính đặc biệt là nhiễm trùng tiết niệu và viêm cổ tử cung, âm đạo sẽ tác động xấu tới thai nhi, hậu quả là gây ra sinh non. Cùng với đó, những mẹ bầu có sức khỏe không ổn định do bị các bệnh viêm gan B, viêm thận, bệnh tim, tiểu đường, cao huyết áp cũng cần cẩn thận vì có khả năng đẻ non cao. Nhất là trong thai kỳ, mẹ bị viêm ruột thừa, thì sẽ thường xuất hiện thêm cả các dấu hiệu sinh non. Nguyên nhân là do tử cung bị kích thích bởi các cơ quan xung quanh viêm nhiễm dẫn đến sự phóng thích độc tố của vi trùng gây bệnh, gây ra sự gia tăng nhiệt độ trong ổ bụng. Mang thai là thời gian nhạy cảm của mẹ bầu, sức đề kháng giảm, sức khỏe không ổn định nên chỉ một chút tác động nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.
Mắc các biến chứng thai kỳ
Đối với mẹ có tiền căn sinh non, nguy cơ tái sinh non chiếm 25 – 50%, nguy cơ càng cao nếu người mẹ có nhiều lần sinh non trước đó. Trường hợp mẹ bầu đang mắc phải một biến chứng thai kỳ như tiền sản giật, hội chứng HELLP (biến thể của tiền sản giật), ứ mật thai kỳ…thì mẹ cần hết sức chú ý đến vấn đề sinh non.
Dị tật tử cung
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng thai nhi có nguy cơ sinh sớm hơn 38 tuần tuổi. Không ít phụ nữ có khiếm khuyết ở tử cung mà trước đó không phát hiện kịp thời như tử cung bất thường, cổ tử cung hé mở, hở eo tử cung, cổ tử cung ngắn... Nhất là trong thời gian mang thai, tử cung của mẹ cũng có thể gặp phải những bất thường như có tử cung dị dạng (tử cung hai sừng, hình tim, có vách ngăn), tử cung kém phát triển, u xơ tử cung, dễ gây ảnh hưởng đến bào thai khiến cho thai nhi chào đời sớm hơn dự định.
Buồng trứng đa nang
Hội chứng này không chỉ có thể gây vô sinh ở nữ giới mà còn là nguyên nhân khiến nhiều mẹ bầu sinh non hay thậm chí là sảy thai. Khi mắc buồng trứng đa nang, cơ thể phụ nữ sẽ có nồng độ nội tiết tố nam testosterone quá cao, gây ra các vấn đề về rụng trứng và kinh nguyệt bất thường. Đa nang buồng trứng còn dẫn tới tình trạng kháng insuline, gây cản trở sự hình thành và phát triển của lớp nội mạc tử cung, ngăn không cho bào thai bám vào thành tử cung, dẫn tới sảy thai sớm. Khảo sát cho thấy có khoảng 5 - 10 % phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ mắc bệnh buồng trứng đa nang.
Thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Việc sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá cùng với chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết hay quan hệ tình dục không đúng cách...đều tác động đến quá trình chuyển dạ sớm. Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh sự liên quan giữa hút thuốc, sử dụng rượu bia khi mang thai dẫn đến nguy cơ sảy thai, sinh non. Bên cạnh đó, việc thiếu vitamin B9 cũng sẽ khiến mẹ bầu dễ sinh non hơn bình thường. Một nghiên cứu tiến hành ở Pháp đã chỉ ra rằng, việc bổ sung vitamin B9 trước khi mang thai 1 năm sẽ giúp giảm 50% nguy cơ sinh non.
Môi trường sống độc hại
Mang thai là quãng thời gian nhạy cảm của mẹ bầu, do sức đề kháng giảm, sức khỏe cũng không ổn định nên điều kiện sống tác động rất nhiều tới sự phát triển của thai nhi. Làm việc quá sức trong điều kiện môi trường ô nhiễm với nhiều loại hóa chất độc hại hay tiếp xúc trực tiếp với nước tẩy rửa đều không tốt cho bà bầu. Kể cả thuốc nhuộm tóc, dung dịch lau nhà hay thuốc diệt côn trùng…đều có thể gây ra những tác động xấu khi mang thai, ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, gây sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh ở trẻ.
Mẹ bầu căng thẳng, áp lực
Với những mẹ bầu thường xuyên trong trạng thái căng thẳng và chịu nhiều áp lực từ công việc và cuộc sống thường ngày, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone tuyến thượng thận tác động lên tử cung và ảnh hưởng tới hệ thần kinh, đồng thời, làm giảm khả năng vận chuyển dinh dưỡng từ mẹ sang con thông qua nhau thai. Việc vận chuyển dinh dưỡng giảm đi sẽ khiến cho trọng lượng thai nhi giảm, thai nhi chậm phát triển, kích thích chuyển dạ sinh non. Theo nghiên cứu mới đây khảo sát trên 1 triệu sản phụ ở Đan Mạch, những mẹ bầu bị stress trong 6 tháng trước thời gian mang thai sẽ có khả năng sinh non lên tới hơn 50%, nguyên nhân là do các hormone stress tác động lên dạ con của thai phụ.

Các nguyên nhân khác

Xoa bụng bầu sai cách
Xoa bụng bầu được nhiều bố mẹ xem là cách để giao tiếp và thể hiện tình cảm với con yêu ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên hành động xoa bụng mẹ bầu quá nhiều và không đúng thời điểm lại tiềm ẩn những mối nguy hiểm khôn lường. Vị trí của thai nhi ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chuyển dạ, sinh nở của mẹ. Vào giai đoạn đầu của thai kỳ, nước ối nhiều, thai nhi còn bé nên thoải mái di chuyển bên trong tử cung của mẹ. Từ tuần thứ 32 trở đi, thai nhi phát triển nhanh hơn, nước ối giảm dần, không gian trong tử cung cũng hẹp đi nên việc thường xuyên chạm vào bụng bầu, có thể khiến bé thay đổi vị trí và nhiều khả năng bé không thể xoay lại vị trí thuận lợi cho mẹ sinh thường như ban đầu.

Sau tuần thứ 34, mẹ sẽ trải nghiệm những cơn co thắt giả như một bước chuẩn bị cho cơn chuyển dạ thật khi thai nhi đủ ngày đủ tháng. Trong 3 tháng cuối thai kỳ này, tử cung của mẹ cũng nhạy cảm hơn. Do đó, vào những tháng cuối của thai kỳ, kể từ tháng thứ 7 trở đi, bố mẹ cần hạn chế xoa bóp, massage bụng mẹ bầu để tránh những cơn co thắt, gò cứng từng cơn, dễ dẫn đến động thai, sảy thai hoặc sinh non. Đặc biệt, với người có tiền sử bị sảy thai hay có thai bám mặt trước thì càng nên tránh xoa hoặc vỗ tay lên bụng.
Ảnh hưởng của mùa trong năm
Theo các nhà khoa học tại ĐH Pittsburgh (Mỹ), những phụ nữ thụ thai vào mùa xuân thường chuyển dạ sớm hơn (trước 37 tuần) so với những chị em thụ thai vào các mùa khác trong năm và tình trạng này rất hiếm gặp ở những chị em thụ thai vào mùa hè. Trong đó, vào mùa xuân, có 9,2% sinh non trước khi thai được 37 tuần tuổi, 2,7% sinh trước khi thai được 32 tuần trong khi con số ở mùa hè lần lượt là 8,4% và 2%. Tỉ lệ sinh sớm cụ thể như sau:
  • Thụ thai vào mùa hè: 8,4%
  • Thụ thai vào mùa thu: 8,8%
  • Thụ thai vào mùa đông: 9,1%
  • Thụ thai vào mùa xuân: 9,2%.
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân có thể do các dị nguyên và khả năng truyền nhiễm bệnh tật; sự thay đổi của các loại thực phẩm, ánh nắng và cả thói quen rèn luyện thân thể đã tác động tới hệ miễn dịch và ảnh hưởng tới quá trình thụ thai. Cùng với đó là các nguyên nhân có liên quan đến những tác nhân gây dị ứng, viêm nhiễm do virus theo mùa, kết hợp những thay đổi trong chế độ dinh dưỡng, mức độ tiếp xúc với ánh mặt trời…

Bí quyết giúp mẹ phòng tránh sinh non hiệu quả

Mách mẹ bầu cách giảm thiểu nguy cơ sinh non Ảnh 4

Từ bỏ các thói quen xấu

Như đã nêu ở trên, việc mẹ bầu hút thuốc lá, sử dụng rượu bia hay các hất kích thích khác là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến các mẹ bầu sinh non. Các chất có trong thuốc lá cũng như chất gây nghiện, rượu, bia hay bất cứ loại thức uống có cồn nào cũng là mối đe dọa với thai nhi. Những mẹ bầu nào có thói quen sử dụng một trong các chất trên thì nguy cơ sinh non có thể lên tới 70-80%. Vì vậy trước khi mang thai và trong quá trình mang bầu, các mẹ cần loại bỏ ngay thói xấu này nếu không muốn sinh non và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này.

Tăng cân hợp lý

Thay vì việc ăn quá nhiều khiến trọng lượng cơ thể mẹ tăng quá nhanh dễ dẫn đến việc mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hay tiền sản giật, làm tăng nguy cơ sinh non thì mẹ bầu cần kiểm soát cân nặng bằng một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh. Tuy nhiên, việc tăng cân quá ít lại khiến mẹ bầu có nguy cơ sinh ra những em bé bị nhẹ cân. Đồng thời, những mẹ nào người nhỏ bé, quá gầy hay tăng cân rất ít thường dễ sinh non hơn so với các mẹ khác. Vì vậy việc tăng cân đúng chuẩn là vô cùng cần thiết. Theo đó, mẹ bầu nên tăng từ 12-15kg trong suốt thai kỳ.

Bằng cách thực hiện kế hoạch ăn uống cân bằng, luyện tập thể dục thường xuyên, mẹ bầu sẽ phòng tránh được nguy cơ sinh non. Chế độ ăn của mẹ bầu bao gồm một lượng protein vừa đủ từ các nguồn thức ăn lành mạnh, các sản phẩm từ sữa, nhiều loại trái cây và rau có lá. Các chuyên gia khuyến khích mẹ bầu ăn cá trong suốt thai kỳ vì trong cá có chứa axit béo omega-3, giúp làm giảm nguy cơ sinh non. Ngoài ra mẹ bầu cũng cần bổ cung thêm canxi (có trong sữa và các sản phẩm từ sữa khác hoặc nước trái cây), magiê (có trong các loại đậu, đậu phụ, sữa chua, mơ khô, chuối và hạt vừng), sắt (có trong thịt bò, trái cây sấy khô và các sản phẩm đậu nành), kẽm (có trong thịt gà, thịt lợn, thịt bò, bột yến mạch, ngô, hàu và trứng). Đặc biệt, chị em cần bổ sung đủ axit folic (có trong các sản phẩm ngũ cốc, chuối, cam và rau lá xanh thẫm). Kết hợp với việc tập các bài tập nhẹ nhàng như: bơi lội, đi bộ hay yoga, mẹ sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh.

Bổ sung vitamin

Trong thời kỳ mang thai, sức đề kháng của mẹ bầu yếu hơn bình thường nên rất cần bổ sung thêm vitamin để giúp tăng cường sức khỏe cho mẹ bầu và thai nhi. Ngoài ra vitamin còn giúp giảm được nguy cơ sinh non. Chỉ cần một viên vitamin tổng hợp mỗi ngày sẽ giúp mẹ bầu không chỉ tăng cường sức khỏe mà còn cải thiện tỷ lệ sinh non. Ngoài ra vitamin tổng hợp còn rất cần thiết với những mẹ ăn uống kém. Việc bổ sung dưỡng chất với một số loại vitamin B và axit folic có thể làm giảm nguy cơ nhau thai tách ra khỏi thành tử cung, nó cũng giúp làm giảm huyết áp, hạn chế tối đa nguy cơ sinh non.

Chăm sóc răng miệng

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, mắc các bệnh mắc bệnh nha chu có thể dẫn đến nhiễm trùng tử cung, làm tăng nguy cơ sinh non ở nhiều bà bầu. Ngoài ra, những thay đổi của hormone khi mang thai cũng có thể dẫn tới viêm nướu răng. Các vi khuẩn gây bệnh sâu răng, bệnh ở nướu răng của mẹ sẽ theo đường máu đi vào trực tiếp nhau thai và ảnh hưởng đến bào thai. Theo đó, việc làm sạch răng miệng và thường xuyên kiểm tra nha khoa có thể làm giảm tới hơn 80% nguy cơ mẹ bầu sinh non.

Uống nhiều nước

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên cố gắng uống thật nhiều nước, khoảng 8 ly nước mỗi ngày tương đương với 2,5l nước sẽ tránh được tình trạng mất nước, duy trì độ ẩm cho cơ thể và giảm nguy cơ sinh non. Nếu mẹ bầu tập thể dục nhiều hoặc vào các ngày tiết trời nắng nóng cần uống nhiều nước hơn bình thường. Cơ thể mất nước sẽ dẫn đến các cơn co thắt sớm, khiến mẹ dễ sinh trước tháng. Đối với các mẹ bầu tập thể dục nhiều hoặc tiết trời nóng thì cần uống nhiều nước hơn.

Kiểm soát tư thế nằm

Mỗi giai đoạn thai kỳ đều có những đặc trưng riêng. Vì vậy, bà bầu nên có các tư thế ngủ hợp lý để giúp mẹ có giấc ngủ ngon và không gây áp lực lên bào thai.

Trong toàn bộ thai kỳ, giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn khó ngủ nhất với bà bầu. Lúc này, thai nhi trong bụng hay chuyển động cộng thêm cân nặng tăng và tần suất đi tiểu quá nhiều khiến các bà bầu thường tỉnh táo vào ban đêm. Thêm vào đó, thai nhi trong giai đoạn 3 tháng cuối đã khá lớn nên bụng mẹ to ra nhiều. Việc nằm ngủ ở tư thế ngửa là cấm kỵ bởi trọng lượng của thai nhi sẽ đè lên cột sống, cơ lưng, ruột và các mạch máu lớn, cản trở lưu thông máu, chèn ép thai nhi. Nằm ngửa ở giai đoạn này còn khiến mẹ đối mặt với nguy cơ mắc trĩ và đau nhức các khớp, làm tình trạng phù nề thêm trầm trọng. Nguy hiểm hơn, nằm ngửa đồng nghĩa với việc giảm lượng máu và oxy cung cấp cho thai nhi, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng và sự phát triển của bé, thậm chí có những trường hợp mẹ sắp sinh đột nhiên bị lưu thai chỉ vì thói quen nằm ngủ ngửa của mình. Lời khuyên của các bác sỹ là mẹ chỉ nên ngủ ở tư thế nằm nghiêng và tốt nhất là nghiêng sang trái.

Hạn chế sinh hoạt vợ chồng

Theo nghiên cứu, mẹ bầu quan hệ đúng cách trong thời kỳ mang thai có thể giải tỏa căng thẳng, tăng nồng độ miễn dịch globulin A, giúp chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng và một số bệnh thông thường khác. Song, trong một số trường hợp đặc biệt, mẹ bầu cần kiêng tuyệt đối chuyện sinh hoạt vợ chồng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. “Chuyện vợ chồng” cần được hạn chế trong 3 tháng cuối thai kỳ để tránh động thai, sinh non. Nhất là với những thai phụ đang có nguy cơ cao chuyển dạ sớm thì càng không nên có quan hệ tình dục và xuất tinh bên trong cơ thể mẹ bầu vì trong tinh dịch có chất gây co bóp tử cung. Vì thế người chồng nên mang bao cao su trong giai đoạn này vừa để phòng nhiễm khuẩn cho mẹ và bé.

Trang bị cho mình những kiến thức và kinh nghiệm hữu ích trên chính là cách để các mẹ bầu tránh được nguy cơ sinh non và có một hành trình vượt cạn thành công, “mẹ tròn con vuông” đúng như kế hoạch.
 
Dương Duyên

Dương Duyên



Đăng ký nhận thông tin khuyến mại