Đang thực hiện
Tên đăng nhập
Mật khẩu
 
Quên mật khẩu
Tổng đài: 0936 320 777
0 Giỏ hàng của bạn
Vận chuyển toàn quốc

Các mốc quan trọng để mẹ theo sát hành trình khôn lớn của con trong năm đầu đời

21/02/2019

Các mốc quan trọng để mẹ theo sát hành trình khôn lớn của con trong năm đầu đời

Ở mỗi giai đoạn tuổi khác nhau, bé lại có những thay đổi đáng kể từ ngoại hình, tính cách cho đến khả năng nhận thức khiến cha mẹ không khỏi bất ngờ. Việc theo dõi các cột mốc phát triển của bé không những đem lại cho các bậc phụ huynh trải nghiệm thú vị khi thấy con đang khôn lớn từng ngày mà nó còn là chỉ số quan trọng để cha mẹ có thể đánh giá mức độ tăng trưởng của con yêu. Tham khảo những thông tin hữu ích đây để biết từng giai đoạn trưởng thành của bé và để kiểm tra xem con có đang phát triển đúng hướng hay không các mẹ nhé.

Xem thêm: 

Cột mốc phát triển của bé 1 tuổi

Kỹ năng vận động

Các mốc quan trọng để mẹ theo sát hành trình khôn lớn của con trong năm đầu đời Ảnh 1
 
Đối với trẻ sơ sinh, cột mốc quan trọng đầu tiên mà mẹ phải chú ý trong năm đầu đời của bé đó chính là sự phát triển của kỹ năng vận động. Sự phát triển vận động cho thấy bé yêu đang lớn lên từng ngày.

Mỗi đứa trẻ phát triển đều có các kỹ năng vận động tinh và vận động thô. Dù cả hai kỹ năng này đều liên quan đến chuyển động, nhưng chúng vẫn có sự khác biệt. Trong khi vận động thô là những động tác lớn mà trẻ thực hiện bằng tay, chân, bàn chân hoặc toàn bộ cơ thể như bò, chạy, nhảy…thì vận động tinh là những hành động nhỏ hơn, liên quan đến việc sử dụng các cơ nhỏ điều khiển bàn tay, ngón tay chẳng hạn như khi trẻ cầm đồ vật bằng ngón trỏ và ngón cái hay kể cả khi con sử dụng môi và lưỡi để nếm và cảm nhận đồ vật, bé cũng đang sử dụng các kỹ năng vận động tinh. Kỹ năng vận động tinh là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà trẻ cần phải thành thạo bởi nó cho phép con yêu thực hiện những nhiệm vụ tự chăm sóc bản thân mà không cần sự trợ giúp.
Xoay và nâng đầu
Vào khoảng cuối tháng đầu tiên, bé đã có thể xoay đầu sang một bên và biết tự nâng đầu lên mỗi khi nằm sấp. Đến cuối tháng thứ 2, bé có thể nhấc đầu lên đến 45° và đặt tay bên dưới bụng khi được đặt nằm sấp. Bé có thể giữ đầu ổn định vào cuối tháng thứ tư. Lúc này, bé đã nâng đầu lên được 90° khi nằm sấp và kiểm soát cử động đầu tốt hơn. Đến tháng thứ 6, bé gần như đã kiểm soát được toàn bộ đầu của mình và có thể xoay qua xoay lại để quan sát mọi vật xung quanh. Bên cạnh đó, bé có thể tự nâng đầu, ngực và bụng khỏi mặt đất chỉ bằng hai tay hơi chụm vào nhau và ở tư thế này, bé có thể ngẩng đầu nhìn về phía trước, bé còn cố gắng dùng một tay để nâng người. Cho đến cuối tháng thứ 7, bé đã hoàn toàn kiểm soát được đầu của mình.
Lẫy
Khả năng này được thực hiện khi bé khoảng 2 – 3 tháng tuổi. Theo đó, mỗi lần được đặt nằm sấp, bé sẽ tự nâng cao đầu và vai nhờ vào sự giúp sức của hai cánh tay. Những động tác hít đất nhỏ này giúp bé tăng cường cơ bắp và bé sẽ sẽ sử dụng chúng để có thể lật người qua lại.
Song phải đến khoảng 5 tháng tuổi, bé mới lẫy thành thạo bởi đến thời điểm này, các cơ ở cổ và cơ cánh tay đủ chắc chắn, bé mới có thể vận động thành thục được, tuy nhiên cũng có trẻ lại trốn lẫy và bỏ qua giai đoạn này để biết bò, biết ngồi.

Khi bé lẫy, bé đã phát triển cả về mặt vận động cơ thể lẫn mặt tâm lý. Bởi việc lẫy của bé chỉ diễn ra khi cơ tay và cơ cổ của bé đủ khỏe. Thêm vào đó, khi bé lẫy cũng có nghĩa là bé đã có thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh theo một tầm nhìn hoàn toàn mới: rộng mở hơn, rõ ràng hơn, chủ động hơn.
Ngồi
Theo các chuyên gia, mẹ có thể dạy cho bé tập ngồi khi được 4 tháng tuổi. Đó là lúc mà trẻ lẫy thành thạo và giữ cho đầu mình ngẩng lên được. Bắt đầu từ tháng thứ 4, cơ cổ và đầu của bé sẽ cứng cáp lên một cách nhanh chóng, và bé sẽ học cách nâng cao đầu khi đang nằm sấp. Tiếp theo bé sẽ tìm cách chống người lên bằng hai tay và giữ ngực không chạm đất.

Khi được 5 tháng tuổi, bé có thể ngồi trong giây lát mà không cần hỗ trợ. Ở giai đoạn này, bé đã đủ sức để đẩy cơ thể mình lên cao để có thể ngồi. Ban đầu, nếu không có sự hỗ trợ, bé chỉ có thể ngồi trong chốc lát. Nhưng ngay sau đó, bé sẽ tự tìm cách duy trì sự cân bằng cho cơ thể khi ngồi bằng cách hơi đổ người phía trước với một hay hai tay chống xuống đất. Điều này sẽ giúp bé ngồi lâu mà không bị ngã. Tuy nhiên, mẹ nên ở gần bé để giúp bé ngồi và đặt gối xung quanh bé để tránh trường hợp bé bị ngã.

Đến 8 tháng tuổi, khoảng 90% trẻ có thể tự ngồi vững mà không cần ai giúp đỡ. Lúc này, cơ đầu và cơ cổ của bé sẽ phát triển nhanh chóng và cứng cáp hơn. Nhờ đó, bé sẽ học cách ngẩng cao và giữ đầu mình trong khi lật. Sau đó, các bé sẽ tìm cách dùng cánh tay để nâng người lên và giữ cho ngực không chạm sàn. Những động tác đơn giản này sẽ giúp các cơ của bé phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, khi ngồi tay bé có thể tự do vung vẩy và khám phá, lúc này bé sẽ học cách xoay sở để với lấy những thứ mà bé thích khi đang ngồi.
Trườn, bò
Vào khoảng cuối tháng thứ 2, bé đã tự nhấc đầu lên và biết cách nâng ngực bằng cánh tay, bàn tay và cổ tay. Các kỹ năng này chính là tiền thân của động tác trườn, bò.

Bé bắt đầu biết bò từ 6 – 9 tháng. Tuy nhiên, kỹ năng này hoàn thiện vào cuối tháng thứ 9. Khi bò, cơ bắp của bé sẽ trở nên khỏe mạnh để đứng lên. Ở giai đoạn này, các bé sẽ sử dụng tay và đầu gối để thực hiện trườn hoặc bò. Nhưng vẫn có một số ít bé sẽ không bò trườn như thế mà sẽ dùng chân, bụng trượt tuột trên sàn hoặc thậm chí là cuộn người lại. Không phải tất cả trẻ đều bò theo kiểu tay – đầu gối. Một số trẻ thích di chuyển trên mông trong khi một sô khác thích lăn. Tất cả trẻ sẽ học được cách di chuyển trong môi trường của mình, cho dù bằng cách trườn, bò hay lăn.

Để khuyến khích trẻ tập bò, hãy cho trẻ không gian, sau đó đặt những đồ chơi hoặc đồ vật mà trẻ yêu thích ngoài tầm với của trẻ để trẻ bò đến lấy. Khi trẻ bước vào giai đoạn này hãy bảo vệ an toàn cho trẻ bởi bạn không muốn trẻ đi vào những nơi không nên vào hay động vào những đồ nguy hiểm như các thiết bị điện hay đồ vật sắc, nhọn.
Đứng
Khi trẻ đã có thể ngồi xổm, thách thức tiếp theo của bé là việc tập đứng của mình. Tập đứng thường hình thành sau khi bé đã có giai đoạn tập bò. Khi bé trở nên tự tin hơn và muốn khám phá thế giới quan xung quanh, chúng sẽ tự học cách để di chuyển.

Bé có thể thực hiện điều này sớm nhất vào khoảng 7 đến 10 tháng tuổi. Trên thực tế, khi bé được 3 tháng, nếu bạn giữ bé đứng thẳng, chân bé sẽ chịu một phần lực. Ở thời điểm 4 tháng, bé bắt đầu đẩy chân xuống đất khi được đặt trên một bề mặt nào đó. Sau 7 tháng, bé sẽ đứng được khi có sự hỗ trợ. Cho đến cuối tháng thứ 9, bé sẽ tự đứng dậy, đứng yên một chỗ và bám vào một vật cố định nào đó. Đến 1 tuổi, bé tự đứng dậy mà không cần sự hỗ trợ. Mặc dù bé có thể tập đứng lên một cách dễ dàng nhưng ngồi xuống lại là một vấn đề khác. Khi muốn ngồi xuống, chúng cũng phải cần một vật làm điểm tựa, nhiều lúc bé sẽ khóc vì việc đó khó hơn bé tưởng.
Đi
Khi đã đứng được, bé sẽ tập đi bộ. Đến cuối tháng 11, bé sẽ tự bước đi với sự hỗ trợ. Mỗi đứa trẻ đều khác biệt, có bé biết đi sớm có bé thì muộn. Nhiều bé ham thích đi lại nhưng cũng có bé thì ít hiếu động hơn. Tuy nhiên việc tập đi của bé phụ thuộc rất nhiều từ người lớn.

Vào thời điểm sau 1 tuổi, bé sẽ cố gắng bước đi những bước đầu tiên một mình và đây sẽ là mốc phát triển quan trọng nhất của bé trong năm đầu tiên. Đây là lúc bé có thể được thực hành “đi bộ” với điều kiện là bố mẹ phải giữ người bé hoặc nắm cánh tay. Bé đưa 2 chân qua lại và bước từng bước. Sau đó, khi khả năng đứng của bé được tốt hơn, bé sẽ vịn vào những đồ vật để tập bước từng bước một. Lúc mới tập đi, bé có thể bấu vịn vào bất cứ thứ gì mà chúng nghĩ là chắc chắn như một bên nôi, tay vịn ghế sofa, hoặc chân của mẹ.

Và trong quá trình bé đang tập đi, bạn nên chú ý đến các vật dụng trong nhà bày trí sao cho an toàn, cất giấu những đồ vật không đủ vững chắc, đồ vật có cạnh sắc nhọn hoặc những đồ vật có thể gây nguy hiểm cho bé để tránh những tai nạn không đáng có xảy ra.

Kỹ năng ngôn ngữ

Các mốc quan trọng để mẹ theo sát hành trình khôn lớn của con trong năm đầu đời Ảnh 2
 
Sự phát triển kỹ năng ngôn ngữ của bé không giống nhau do sự khác biệt về thể chất và theo tùy từng giai đoạn tuổi. Những kỹ năng của trẻ dưới 1 tuổi có thể khiến bạn bất ngờ.

Với trẻ sơ sinh khi mà thính giác đã hình thành và phát triển, các bé có thể nghe thấy giọng nói của cha mẹ. Hai tháng tuổi, trẻ biết quay đầu về phía nguồn phát ra âm thanh, mặc dù cử động của bé không chính xác hoặc chỉ gần đúng. Cuối tháng thứ 3, bé có thể xác định nguồn gốc của âm thanh. 6 tháng tuổi, bé không chỉ nhận biết được nguồn phát ra âm thanh mà còn phản ứng lại với âm thanh đó. Đây là bước phát triển quan trọng của bé. Đến 9 tháng, não của bé bắt đầu xử lý âm thanh tốt hơn, bé biết bắt chước những âm thanh và tiếng ồn mà bé nghe thấy.

Sau 12 tháng, thính giác của bé đã dần hoàn thiện. Giờ đây, bé đã nhận ra được đặc điểm của một số âm thanh và xác định được tiếng nói của người thân.

Theo đó, các nhà khoa học đã dự đoán được các mốc phát triển ngôn ngữ chung của trẻ như sau:
Từ 0-3 tháng tuổi
Trong khoảng thời gian này em bé của bạn giao tiếp liên tục nhưng không phải bằng lời nói. Khả năng giao tiếp sẽ phát triển một cách tuần tự và các kỹ năng nâng cao sẽ được xây dựng trên một nền tảng cơ bản. Những tiếng khóc là hình thức giao tiếp đầu tiên của trẻ. Nếu bé hét lên, đồng nghĩa với việc con muốn báo với mẹ rằng con cảm thấy đói; nếu phát ra những tiếng rên rỉ tức là bé cảm thấy khó chịu và muốn thay tã.

Trẻ trong giai đoạn này có thể học cách chú ý khi nghe mẹ hoặc mọi người xung quanh nói chuyên, chúng sẽ cười khi nghe thấy giọng mẹ. Thực tế, trẻ dường như nhận ra giọng nói quen thuộc của mẹ và sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi nghe thấy tiếng vỗ về từ mẹ. Bé có thể phân biệt được giọng nói của bố mẹ và thể hiện sự ưu ái với ngôn ngữ mẹ đẻ và những câu chuyện cũng như bài hát mà bé được nghe từ trước khi ra đời.

Trẻ dưới 3 tháng tuổi cũng sẽ ngừng mọi hoạt động và tập trung chú ý gần hơn tới những âm thanh không quen thuộc. Bên cạnh đó, ngôn ngữ của bé ở giai đoạn này còn được thể hiện khi bé giật mình với tiếng động bất ngờ, bắt đầu phát âm để thể hiện sự thích thú.

Mẹ có thể giúp thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ và khả năng nói của bé bằng cách hát hoặc kể chuyện cho bé nghe. Hãy thường xuyên trò chuyện thủ thỉ với bé và cho bé tiếp xúc với nhiều loại âm thanh và âm nhạc khác nhau.
Từ 4-6 tháng tuổi
Trong giai đoạn này, ngôn ngữ và khả năng giao tiếp của trẻ bắt đầu phát triển mạnh. Mẹ sẽ thấy con tham gia "nói chuyện" bằng cách tạo ra âm thanh và đợi mẹ phản ứng, mẹ có thể nghe thấy những âm thanh ríu rít khi chơi đùa cùng con. Đây là khoảng thời gian bé bắt đầu biết nhìn về phía có âm thanh và tiếng nói, biết cười khi có người nói chuyện cùng. Trẻ bập bẹ và đôi khi phát ra những âm thanh như thể con đang tiếp chuyện với mọi người với một số âm cơ bản như b, g, k, m, p…

Mẹ cũng sẽ thấy bé thể hiện sự ưu ái với giọng nói của mẹ và có thể phân biệt được giọng nam và nữ. Bên cạnh đó, bé còn có thể nói lên muốn của mình bằng cách sử dụng âm thanh và cử chỉ. Con sẽ tạo ra những tiếng ồn để thu hút sự chú ý của mẹ.

Ngoài ra, bé cũng phát âm để phản xạ khi nghe hát, để thể hiện sự vui thích, phân biệt được giọng nói tức giận hay trìu mến, ngừng khóc khi nghe có giọng nói.

Bạn có thể khuyến khích trẻ phát triển ngôn ngữ bằng cách chơi đùa cùng bé thường xuyên hơn. Hãy gọi tên bé khi bạn trò chuyện với bé. Hãy lặp đi lặp lại những âm thanh mà bé dùng để trò chuyện với bạn và khuyến khích bé bắt chước nói theo.
Từ 7-9 tháng tuổi
Đây là giai đoạn bé có thể nói được từ hai âm tiết trở lên và mặc dù những âm thanh này nghe rất giống như từ ngữ thật nhưng thực ra bé vẫn chưa có thể liên kết chúng với người hoặc sự vật thật sự bên ngoài. Bé sẽ tiếp tục nói bi bô để học thêm được càng nhiều âm thanh mới trong suốt khoảng thời gian này. Vốn từ vựng của bé giờ đây đã có khá nhiều từ bé có thể hiểu được.

Bé cũng bắt đầu hiểu chuyện nhiều hơn như các mệnh lệnh đơn giản. Trẻ bắt đầu có phản ứng khi nghe thấy tiếng chuông điện thoại hay tiếng gõ cửa, biết dùng cử chỉ và ngôn ngữ để diễn đạt như lắc đầu để nói "không", thể hiện cảm xúc thông qua âm thanh và ngôn ngữ cơ thể và hiểu các yêu cầu nghe được bằng cử chỉ của đầu, cơ thể; bắt đầu nhận ra vật, hình ảnh qua gọi tên.

Bằng cách chơi đùa cùng bé, mẹ có thể khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ của con. Hát bài hát sinh động mô tả các bộ phận cơ thể hay về các các vật ngộ nghĩnh chính là một cách tuyệt vời để mẹ tăng cường kỹ năng ngôn ngữ của bé.
Từ 10-12 tháng tuổi
Trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu biết kết hợp các âm tiết với nhau. Bé 12 tháng tuổi đã biết nói những từ đơn giản đầu tiên. Thậm chí một số bé đã có thể nói những từ ghép. Khi được một tuổi, hầu hết mọi đứa trẻ có thể nói được từ 3 đến 5 từ. Ngoài việc biết nói, kỹ năng hiểu biết của bé về ngôn ngữ nói cũng bắt đầu phát triển.

Ở độ tuổi này, nền tảng quan trọng của việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ chính là việc cung cấp cho trẻ vốn từ phong phú, dạy trẻ phát âm chuẩn. Vì thế, ngay từ những hoạt động trong cuộc sống thường ngày đến việc tham gia trò chơi, bố mẹ cũng cần tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ luyện tập khả năng nói, phát âm chính xác và sử dụng từ đúng để diễn đạt ý nghĩ của mình.

Đây là lúc mà cha mẹ cần trở thành một người hỗ trợ tinh thần cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ bằng những câu chuyện và những bài hát thú vị. Bởi vì, đây là một giai đoạn rất quan trọng khi bé cố gắng bắt chước người lớn nói chuyện, ngay cả khi mẹ không hiểu những gì con nói.

Kỹ năng nhận thức

Các mốc quan trọng để mẹ theo sát hành trình khôn lớn của con trong năm đầu đời Ảnh 3
 
Ở giai đoạn sơ sinh, não của bé có thể kiểm soát các chức năng cơ thể của mình và bé đã biết làm thế nào để hít thở, ăn, ngủ và đi vệ sinh. Tuy nhiên, các bộ phận của não trẻ chưa phát triển đầy đủ để có khả năng nhận thức, tư duy, ghi nhớ, sử dụng ngôn ngữ và sự phối hợp thể chất. Quá trình trẻ dần dần học được những kỹ năng này được gọi là sự phát triển nhận thức. Khi bé được vài tuần tuổi, bé sẽ nhận ra mình có thể làm một số việc nhưng khả năng ghi nhớ rằng mình có thể làm những việc đó sẽ cần thời gian để phát triển.
Từ 0-3 tháng tuổi
Đây là giai đoạn mà mắt bé chỉ có thể nhìn rõ các vật có khoảng cách ở cự ly gần, dao động trong khoảng từ 20-25cm. Do đó các trong quá trình giao tiếp và trò chuyện với con, các mẹ nên chú ý bế bé lên để hạn chế khoảng cách quá xa. Tuy nhiên sau một tháng, khi đã nhận biết được bạn rồi, bé sẽ thích việc trao đổi bằng mắt với mẹ nhiều hơn.

Từ 2 tháng tuổi, bé sẽ có những thay đổi tích cực hơn khi mà bé bắt đầu biết quan sát thế giới xung quanh, gồm cả đồ vật và con người. Bé sẽ có những biểu hiện trên gương mặt như cựa quậy nhiều hơn, cười khi nghe bạn nói chuyện. Giai đoạn này bé sẽ dần dần quen và thích thú với ngôn ngữ và các điệu bộ đi kèm của cha mẹ.

Sự phát triển của bé ở giai đoạn 3 tháng tuổi ngày càng rõ rệt. Bé 3 tháng tuổi sẽ bắt đầu bi bô và giọng điệu có những âm vực cao thấp rõ ràng. Trẻ ở tuổi này thính giác đang dần cải thiện có thể quay đầu về phía có âm thanh và thích nghe nhạc.
Để cho bé phát triển nhận thức giai đoạn này, mẹ nên dành nhiều thời gian âu yếm, nói chuyện và chơi với bé.
Từ 4-6 tháng tuổi
Mốc phát triển quan trọng về nhận thức xảy ra khi bé được 4 tháng tuổi. Bé bắt đầu hiểu về nguyên nhân và kết quả. Bé sẽ thử các hành động khác nhau để quan sát kết quả của các hành động này và quan sát phản ứng của những người xung quanh. Bé biết nhận biết ra mẹ và những người thân khác qua phản xạ và hành động. Mẹ sẽ thấy ngạc nhiên trước một loạt các cảm xúc của bé từ nụ cười rạng rỡ cho đến khuôn mặt hờn dỗi.

Bé 5 tháng tuổi có khả năng nắm bắt nhanh hơn và biết cầm nắm đồ vật trên tay. Bé cũng có thể bật ra những âm thanh phụ âm và nguyên âm khác nhau.

Còn với em bé ở 6 tháng tuổi thì sẽ mỉm cười hoặc sợ hãi khi gặp người lạ hoặc trong những tình huống mới. Bé cũng bắt đầu biết tò mò về mọi thứ và biết cách cầm các vật để thăm dò. Đây cũng là lúc bé có thể tập làm quen với tên gọi của đồ vật.
Để bé phát triển ở giai đoạn này, mẹ nên cho bé xem sách để khám phá, dành thời gian đọc sách hoặc hát cho bé nghe mỗi ngày để con có thể phát triển nhận thức một cách tốt nhận.
Từ 7-9 tháng tuổi
Ở độ tuổi này, bé sẽ cảm thấy khó chịu với người lạ và những nơi không quen thuộc. Bé cũng có khả năng bắt chước nhanh chóng. Qua ngữ điệu của giọng nói và nét mặt của mẹ, bé có thể hiểu được giao tiếp bằng lời nói qua nhiều âm thanh khác nhau.

Trẻ 8 tháng tuổi sẽ tập trung chú ý được khoảng 3 phút và sau đó lại tò mò về nhiều thứ mà bé thấy xung quanh. Bé đang bắt đầu nhận ra những gì mình thích hay không thích và biết biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt của mình.

9 tháng là mốc phát triển quan trọng mang tính trí tuệ trong năm đầu tiên của trẻ. Lúc này, cha mẹ và những người xung quanh có sự tác động rất lớn đến nhận thức và hành vi của trẻ. Do đó, cần chú ý cách giao tiếp và các hành vi để không làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.
Từ 9-12 tháng tuổi
Trẻ trở nên nhạy cảm và có thể bắt mạch được cảm xúc của cha mẹ. Nếu mẹ tỏ ra khó chịu, trẻ sẽ lo sợ và bắt đầu mếu, khóc, ngược lại khi mẹ vui cười, yêu thương trẻ sẽ đáp lại bạn bằng những tiếng cười giòn tan của bé.
Bé sẽ biết tên và đặc điểm của một số đồ vật. Bên cạnh đó, bé cũng học được các kỹ năng mới bằng cách quan sát cha mẹ và mọi người xung quanh.

Ngoài ra, đây là khoảng thời gian trẻ bắt đầu thích giao tiếp với mọi người bằng những âm thanh bập bẹ. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với việc tập nói và phát triển ngôn ngữ sau này của trẻ.

Kỹ năng xã hội và tình cảm

Các mốc quan trọng để mẹ theo sát hành trình khôn lớn của con trong năm đầu đời Ảnh 4
 
Trẻ bắt đầu học các kỹ năng xã hội từ khi mới ra đời. Sự phát triển kỹ năng này của trẻ bị tác động không nhỏ bởi tính cách của những người bé tiếp xúc. Do đó, trẻ sơ sinh cần trải nghiệm qua giao tiếp và những mối quan hệ tích cực để hoàn thiện bản thân cũng như phát triển những mối quan hệ sau này.

Khi chào đời, trẻ sẵn sàng khám phá cuộc sống và tiếp nhận những mối quan hệ mới. Cụ thể là trẻ thật sự hứng thú với khuôn mặt và con người cũng như có thể nhận ra những giọng nói quen thuộc. Ngoài ra, trẻ nhỏ luôn tìm kiếm sự an toàn cho nên trẻ sẽ dựa dẫm và tin tưởng những người làm trẻ cảm thấy thoải mái, bảo vệ trẻ cũng như đoán được và kịp thời hồi đáp nhu cầu của trẻ.

Trong những mối quan hệ mà trẻ được chăm sóc chu đáo, trẻ sẽ học được cách thể hiện, xử lý và học cách điều chỉnh cảm xúc của mình cũng như bắt đầu khám phá môi trường xung quanh. Khi trẻ bắt đầu di chuyển, trẻ sẽ tự tin khám phá hơn nhờ vào sự an toàn trẻ cảm thấy. Cùng với sự phát triển về thể chất, cảm xúc cũng phát triển theo từng giai đoạn nhất định ở trẻ.

Phát triển tình cảm - xã hội cho trẻ lứa tuổi nhà trẻ nhằm giúp hình thành cho đứa trẻ khả năng cảm nhận và biểu lộ cảm xúc của bản thân với người khác, với sự vật và hiện tượng gần gũi xung quanh. Hình thành cho trẻ tình cảm gắn bố với người thân, biết nghe lời và làm theo sự chỉ dẫn của người lớn. Bên cạnh đó việc phát triển tình cảm - xã hội cho trẻ lứa tuổi nhà trẻ còn nhằm bước đầu hình thành ở trẻ tính tự tin và hoạt động độc lập. Cùng theo dõi quá trình phát triển kỹ năng xã hội – tình cảm của bé qua các giai đoạn:
Dưới 3 tháng tuổi
Bé biết giao tiếp bằng mắt và thể hiện sự yêu thích với một số khuôn mặt quen thuộc. Bé nhanh chóng nhận ra mùi hương, giọng nói và cả khuôn mặt của mẹ chỉ trong vài ngày sau sinh. Khi bé khóc, nếu nghe thấy tiếng cha mẹ hoặc được cha mẹ ôm ấp, bé sẽ ngừng khóc.
5 tháng tuổi
Ở độ tuổi này, bé sẽ thích chơi đùa với mọi người, mỉm cười và khóc khi đói, mệt mỏi hoặc đau đớn. Đây cũng là độ tuổi mà bé dễ bị ảnh hưởng bởi mọi người xung quanh và có thể xuất hiện những hành vi tiêu cực như nhút nhát, cáu kỉnh.
8 tháng tuổi
Vào 8 tháng tuổi, bé hiểu rằng ba mẹ đem đến cho bé cảm giác ấm áp và an toàn. Đó là lý do tại sao bé thường khóc nhiều khi không thấy ba mẹ. Bé sẽ cảm thấy khó chịu khi được người lạ ôm nhưng bé vẫn sẽ thân thiện với những người thường xuyên chơi với mình. Đây cũng là giai đoạn mà tâm hồn của bé có thể xuất hiện sự đồng cảm khi bé biết bắt theo cảm xúc của người khác.
10 tháng tuổi
Giai đoạn 10 tháng tuổi là lúc mà bé bắt đầu biết tương tác qua lại với người đối diện và bắt đầu biết thể hiện cảm xúc của mình và sự quan tâm đến những đồ vật xung quanh. Trẻ thích biểu lộ sự giao tiếp bằng âm thanh, cử chỉ của người giao tiếp cùng. Trẻ thích chơi với các đồ vật chuyển động có màu sắc sặc sỡ và phát ra âm thanh.

Trẻ chậm phát triển

Các mốc quan trọng để mẹ theo sát hành trình khôn lớn của con trong năm đầu đời Ảnh 5
 
Mỗi trẻ nhỏ lại có tiến trình phát triển khác nhau và có một biên độ khá rộng cho những gì được coi là bình thường đối với cột mốc phát triển của bé song vẫn tuân thủ những lộ trình tuần tự như trên. Và mẹ có thể hoài nghi về khả năng phát triển của bé yêu có được xem là bình thường hay không khi con không đạt được một mốc phát triển trong giới hạn cho phép hoặc bé đã phát triển được một kỹ năng nhưng rồi lại mất đi, được gọi là mốc phát triển thoái hóa.

Trẻ chậm phát triển là trẻ có mức thấp hơn so với các thông số phát triển chung tại các mốc phát triển cơ bản hoặc phát triển chậm hơn trẻ cùng trang lứa. Việc trẻ chậm phát triển là nỗi lo của rất nhiều ông bố bà mẹ. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị sớm, trẻ vẫn có thể phát triển bình thường, bắt kịp các bạn bè cùng độ tuổi.

Nguyên nhân

Bé có thể mắc phải tình trạng chậm phát triển về thể lực hoặc trí lực. Chậm phát triển là một biểu hiện khuyết tất lớn, có thể là tật nứt đốt sống hoặc tự kỉ, cũng có thể chỉ là sự chậm trễ về thời gian, tức sau một vài tuần, trẻ sẽ bắt kịp với các bạn. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, phải sử dụng vật lý trị liệu để phục hồi sức khỏe cho bé.

Trẻ chậm phát triển do nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan. Trẻ phát triển chậm có thể là từ nội tại bên trong do di truyền, do các tác động có hại đến người mẹ khi mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu như mắc một số bệnh do vi rút, ký sinh trùng, uống một số loại thuốc khiến cho sức khỏe trong thai kì không tốt hoặc dinh dưỡng khi mang bầu không đầy đủ khiến bộ phận cơ thể phát triển không bình thường, sức khỏe của trẻ sau sinh không tốt hoặc cử chỉ chậm chạp rõ rệt hoặc do môi trường bên ngoài, từ sự chăm sóc của cha mẹ không phù hợp. Ngoài ra, chậm phát triển về tinh thần còn do thiếu hụt cảm xúc giữa cha mẹ và con cái khi mà cha mẹ thường ít quan tâm, chơi đùa, chăm sóc trẻ trong những năm đầu đời.

Dấu hiệu nhận biết

Mẹ có thể phát hiện bé có dấu hiệu chậm phát triển qua hình dáng và thể chất của con. Khi sinh ra, một số trẻ có diện mạo không bình thường như khoảng cách 2 mắt rộng, 2 mắt xếch lên khi khóc, mũi tẹt, hay há miệng, lưỡi thè ra ngoài, vòng đầu của bé khi 6 tháng tuổi nhỏ hơn 43cm, trán thấp, hẹp. Sau sinh, trẻ không khóc, da tím tái, cơ thể mềm yếu. Đến 6 tháng tuổi bé vẫn không quấy khóc, lặng lẽ, ít cử động, tiếng khóc yếu.

Hay qua cách vận động của bé khi mẹ bế con trên tay, cơ thể bé không có phản xạ co người, khi tập đi chân bé luôn ở trạng thái bắt chéo cũng là những biểu hiện mà mẹ có thể nhận biết bé chậm phát triển.

Bên cạnh đó, những biểu biện qua khả năng nhận thức như trẻ thụ động, không chú ý đến các vật xung quanh, phản ứng chậm, không giật mình với tiếng ồn…cũng là cách để mẹ xác định tình hình phát triển của con.

Ngoài ra, với những trẻ chậm nói khi thì mẹ cũng cần đặc biệt chú ý. Khả năng diễn đạt chậm có thể là do gặp các vấn đề về tai, một bệnh nào đó ở hệ thần kinh trung ương, não bộ hay mắc các bệnh liên quan tới mũi họng, miệng, thanh quản khiến trẻ không hiểu nghĩa của từ và câu khiến trẻ gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý tưởng bằng từ ngữ. Đối với trường hợp này cần phải phân biệt rõ. Nếu trẻ chưa biết nói nhưng vẫn phát triển thể trạng và vận động bình thường, có khả năng nhận biết và hiểu được ngôn ngữ của người khác truyền đạt lại thì là trẻ chỉ bị chậm phát triển. Tuy nhiên nếu trẻ chưa biết nói, nhưng thỉnh thoảng lại phát ra những âm thanh vô nghĩa, nghe không hiểu người khác đang diễn đạt cái gì thì rất có thể là trẻ đã bị tự kỷ.

Phương pháp điều trị

Việc trẻ chậm phát triển có ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hoạt động cũng như khả năng ngôn ngữ của con, vậy nên bên cạnh công việc thì các cha mẹ cần dành nhiều thời gian để quan tâm và chia sẻ với con, cùng con điều trị để có hiệu quả trị liệu tốt nhất.

Với những trẻ mắc bệnh ở mức độ nhẹ có thể cải thiện bằng phương pháp tiếp xúc và giáo dục như vui chơi hay dạy dỗ và huấn luyện. Giáo dục trẻ chậm phát triển đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, và sáng tạo. Mẹ càng sớm phát hiện ra bệnh thì càng tốt. Để hỗ trợ trẻ chậm phát triển sớm theo kịp bạn bè đồng trang lứa đòi hỏi sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Không bao giờ bỏ qua nhu cầu học tập của trẻ. Trẻ chậm phát triển trí tuệ cũng cần được hưởng nền giáo dục tương tự như các trẻ khác. Tùy theo mức độ chậm phát triển trí tuệ và lứa tuổi của trẻ, cha mẹ nên quyết định cho con theo học ở đâu. Trong trường hợp trẻ bị chậm phát triển tâm thần thì nên đưa trẻ đến học ở trường giáo dục đặc biệt cho trẻ em của địa phương.

Tuy nhiên ở mức độ nặng và rất nặng thường khó có thể can thiệp bằng biện pháp y học. Vì vậy, mẹ cần lưu ý tránh một số tác nhân có thể gây bệnh cho trẻ như tránh để bé bị ngạt khi đẻ, trẻ thiếu cân, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, viêm não...

Đối với trẻ chậm phát triển, ngoài việc chú ý đến tâm lý và hành động bạn cũng nên chăm chút đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Đảm bảo dưỡng chất đầy đủ, cũng cấp nhiều vitamin thông qua rau củ quả chứ không nên dùng thuốc viên vitamin hay các loại đồ uống nhiều đường sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con.

Thêm vào đó, cha mẹ cũng cần kết hợp với các hình thức động viên, khen thưởng để khích lệ tinh thần của con cho dù chỉ là những việc làm nhỏ của bé để con có thêm động lực phấn đấu.

Như vậy, ở một số giai đoạn phát triển đặc biệt, cha mẹ cần chú ý ở bên cạnh con đúng lúc, theo dõi tiến trình khôn lớn của con vào những cột mốc quan trọng để giúp bé phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần lẫn trí tuệ.
 
Dương Duyên

Dương Duyên



Đăng ký nhận thông tin khuyến mại