Đang thực hiện
Tên đăng nhập
Mật khẩu
 
Quên mật khẩu
Tổng đài: 0936 320 777
0 Giỏ hàng của bạn
Vận chuyển toàn quốc

10 điểm khác biệt trong cách nuôi dạy con của mẹ Việt và mẹ Mỹ

22/12/2018

10 điểm khác biệt trong cách nuôi dạy con của mẹ Việt và mẹ Mỹ

Khi xã hội phát triển nhanh chóng như hiện nay thì cũng là lúc chủ đề về nuôi dạy con cái ngày càng nhận được sự quan tâm của đông đảo các cha mẹ trẻ hiện đại. Không chỉ đơn thuần là việc chăm bẵm cho con với những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng hay nâng niu con vào giấc ngủ say sưa, êm đềm, các bậc phụ huynh thế hệ mới còn đau đáu với việc nuôi dạy và giáo dục trẻ sao cho tốt để bé yêu được phát triển một cách toàn diện.

Ở mỗi gia đình, mỗi nền văn hóa lại có những quan điểm khác nhau trong cách nuôi dạy con cái. Đứng trước trào lưu mẹ Việt đang đua nhau nuôi con kiểu Mỹ nhưng lại không nhiều mẹ thực sự hiểu và biết áp dụng một cách linh hoạt phương pháp này, ở bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ khái quát những khác biệt lớn nhất trong cách dạy con của mẹ Việt với mẹ Tây để các bậc phụ huynh thấy được những điểm đáng học hỏi, có một cái nhìn khách quan và đúc rút cho mình phương pháp nuôi con đúng đắn và phù hợp nhất.
 
10 điểm khác biệt trong cách nuôi dạy con của mẹ Việt và mẹ Mỹ Ảnh 1

Dạy con tự lập

Tâm lý chung của các mẹ Việt là luôn muốn bao bọc, che chở con cái và chăm sóc trẻ chu toàn từ A đến Z ngay cả tới khi con đã khôn lớn. Xuất phát từ tình yêu thương cao cả và tinh thần hy sinh của người mẹ hết lòng vì con cái, song trên thực tế kết quả mà nó mang lại nhiều khi không phải là trái ngọt mà các mẹ mong đợi.

Trong khi đó, cha mẹ Tây lại rất chú trọng trong việc rèn luyện tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Từ những công việc sinh hoạt cá nhân cho đến việc tự mình đưa ra các quyết định giải quyết vấn đề đều được cha mẹ Mỹ áp dụng một cách nghiêm túc với các bé để con trở thành một đứa trẻ độc lập và luôn đứng vững trên chính đôi chân của mình mà không cần đến sự hỗ trợ của bố mẹ. Không những có ý nghĩa trong sự phát triển của trẻ sau này mà việc để con tự chăm sóc bản thân mình và làm chủ trước các quyết định còn giúp bố mẹ Tây trở nên nhàn rỗi và có nhiều khoảng thời gian riêng cho mình đồng thời không phải thường trực nỗi lo về con cái như cha mẹ Việt.

Thói quen ăn uống

Ngay từ khi trẻ bắt đầu biết ngồi, cha mẹ Mỹ đã đặt bé vào chiếc ghế ăn riêng và để con tập làm quen với việc ăn dặm. Bố mẹ Tây để đồ ăn và thìa dĩa lên bàn ăn của bé và con có thể ăn theo cách của mình. Trẻ sẽ tự ăn và khuôn mặt thì nhem nhuốc nhưng đó lại là niềm vui của cha mẹ Mỹ khi có thể để con được làm bạn với bữa ăn một cách vui vẻ, không gượng ép. Trong khi đó, ở Việt Nam, các bé thường được cha mẹ chăm bẵm từng bữa ăn cho đến khoảng 2 tuổi mới được tập làm quen với thìa đũa.

Khác với bố mẹ Việt thường tách biệt bữa ăn của trẻ với bữa cơm của gia đình với mong muốn không làm gián đoạn bữa ăn của các thành viên, người Mỹ để bé ngồi ăn cùng với cả nhà trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Việc để con ăn cùng bữa sẽ giúp trẻ có ý thức tự giác hơn với việc ăn uống của mình và có động lực để ăn nhiều hơn khi trẻ ăn một mình. Hơn nữa, đây cũng là cách để ba mẹ Mỹ giúp trẻ có cơ hội được quan sát và học cách mọi người sử dụng các dụng cụ trên bàn ăn một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Ngoài ra, trong bữa ăn, bố mẹ Tây cũng không cho trẻ làm việc riêng hay xem các chương trình ca nhạc, hoạt hình trên các thiết bị di động hay trên TV như cha mẹ Việt vẫn đang thường xuyên áp dụng. Đối với nhiều mẹ Việt thì đó là cách để dỗ dành con thật dễ dàng và để trẻ có cái bụng căng tròn mà không phải mất nhiều công rong dỗ. Nhưng mẹ Tây lại đặc biệt nghiêm khắc trong vấn đề này và cho rằng đó là sai lầm cần tránh khi tạo nên thói quen xấu cho trẻ, khiến con mất tập trung vào bữa ăn và không còn cảm nhận được hương vị thơm ngon của món ăn nữa.

Chế độ dinh dưỡng

Với cách chia chế độ ăn ra thành nhiều bữa gồm 3 bữa chính và 2 bữa phụ, cha mẹ Mỹ không có suy nghĩ ép con ăn vì bé luôn được đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng trong các bữa sau đó ngay cả khi ăn ít ở một bữa nào đó. Cha mẹ Tây cho rằng điều đó cũng thể hiện sự tôn trọng trẻ trong việc ăn uống và chúng sẽ ăn đủ lượng thức ăn mà mình cần. Họ cũng rất linh hoạt trong việc thay đổi món ăn theo khẩu vị và sở thích của con và cho con sớm tiếp xúc với các loại hương vị món ăn khác nhau để kích thích khứu giác cùng tinh thần thưởng thức đồ ăn của con trẻ.

Còn ở Việt Nam, chế độ ăn dặm của các bé thường bắt đầu với bột, cháo cùng với rau củ, thịt cá xay nhuyễn. Các mẹ Việt nghĩ rằng con chưa thể nhai nên những bữa ăn như vậy sẽ giúp bé cảm thấy dễ dàng trong việc hấp thụ và tiêu hóa hơn. Tuy nhiên cách làm này lại chỉ có thể phát huy tác dụng trong một thời gian ngắn và nhanh chóng khiến trẻ cảm thấy nhàm chán và thậm chí là sợ ăn, dẫn đến biếng ăn khiến cha mẹ không khỏi lo lắng.
 
10 điểm khác biệt trong cách nuôi dạy con của mẹ Việt và mẹ Mỹ Ảnh 2

Áp lực về điểm số và thành tích

Sự kết hợp đồng bộ trong giáo dục giữa gia đình và nhà trường ở Mỹ tạo cho trẻ nếp suy nghĩ độc lập cùng lối tư duy cầu tiến nhưng lại không chạy theo bệnh thành tích như ở Việt Nam. Trẻ em Mỹ hiểu rằng chỉ bằng việc tự thân vận động và nỗ lực cố gắng thì mới có thể đạt được kết quả như mình mong muốn.

Khác với áp lực tâm lý mà cha mẹ Việt đặt lên đôi vai của con trẻ, người Mỹ không đặt nặng cho trẻ vấn đề về điểm số song luôn cổ vũ, động viên con làm hết khả năng của mình để vươn tới thành công và chạm đến ước mơ của mình. Đó cũng là lý do mà chúng ta chứng kiến sự phát triển của siêu cường quốc Hoa Kỳ với tỷ lệ người thành đạt đứng top đầu thế giới.

Cách xử trí khi bé phạm lỗi

Dạy con không đòn roi được xem là phương châm trong cách giáo dục trẻ của người Mỹ. Thay vào đó, cha mẹ Mỹ áp dụng linh hoạt nhiều cách phạt trẻ khác nhau theo tùy từng mức độ của sai phạm mà bé gây ra. Họ có thể phạt bé làm việc nhà hay tạm thời tước đi một số đặc quyền cơ bản của bé song cách phạt phổ biến nhất vẫn là cho bé ở trong một căn phòng riêng úp mặt vào tường và suy nghĩ về hành động của mình. Bằng cách này, trẻ sẽ trở nên biết suy nghĩ hơn và có thể tự mình nhận ra lỗi lầm để từ sau không tái phạm nữa.
 
10 điểm khác biệt trong cách nuôi dạy con của mẹ Việt và mẹ Mỹ Ảnh 3

Trong khi đó, câu nói “thương cho roi cho vọt” dường như đã ăn sâu trong tiềm thức của người Châu Á nói chung và người Việt nói riêng. Cha mẹ Việt thường dùng câu nói ấy để biện minh cho hành vi bạo lực của mình với con trẻ. Với suy nghĩ rằng đây là cách để răn đe con cái và khiến con sợ mà không mắc phải lỗi lầm lần nữa nhưng đôi khi sự hà khắc quá đà của ba mẹ với phương thức giáo dục thô bạo này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của trẻ trong suốt quá trình khôn lớn và góp phần hình thành nên tính cách của trẻ sau này.

Trẻ gặp vấn đề về sức khỏe

Phản ứng của mẹ Việt thường rất lo lắng mỗi khi con chớm ốm hay ho hắng. Không ít mẹ chọn cách xử trí là vội vàng đưa con đi khám hoặc cho bé dùng thuốc kháng sinh để con nhanh khỏe. Tuy nhiên, việc đưa con đến viện đông đúc không những khiến trẻ thêm mệt mỏi mà còn dễ khiến trẻ mắc các bệnh lây nhiễm với các bé khác.

Trong khi có những vấn đề nhỏ, sức đề kháng của trẻ sẽ tự giúp bé khỏi bệnh thậm chí không cần sự hỗ trợ của thuốc hay sự can thiệp của bác sĩ. Về điều này thì mẹ Việt nên học hỏi sự bình tĩnh và cách giải quyết thông minh của mẹ Mỹ khi luôn để con được phát triển khỏe mạnh một cách tự nhiên. Còn trong những tình huống nghiêm trọng hơn thì các em bé Mỹ cũng được các bác sĩ chăm sóc y tế khám chữa. Song điều đặc biệt là mỗi em bé lại có một bác sỹ riêng, độc lập và rất thoải mái. Và các bác sỹ ở Mỹ cũng rất nghiêm khắc, không lạm dụng thuốc kháng sinh để kê trong đơn thuốc của trẻ như ở Việt Nam.

Con khóc ăn vạ

Bước vào tuổi lên 2, các bé có sự thay đổi về tâm lý và bắt đầu biết đòi hỏi những thứ mình muốn. Không được đáp ứng, bé sẽ ngay lập tức òa khóc ăn vạ bố mẹ. Trước tình huống này, nhiều ba mẹ Việt thường dễ mủi lòng và chiều theo ý muốn của con để trẻ ngừng khóc. Điều này khiến cho các bố mẹ cảm thấy mệt mỏi vì cứ phải chạy theo sở thích cá nhân của bé và còn tạo cho trẻ nếp suy nghĩ vòi vĩnh và tính cách gia trưởng khi cứ thích gì được nấy.
 
10 điểm khác biệt trong cách nuôi dạy con của mẹ Việt và mẹ Mỹ Ảnh 4

Mẹ Tây thì thương con theo cách cứng rắn hơn. Không phải đòi hỏi nào của bé cũng dễ dàng nhận được sự đồng ý. Và khi bé không thỏa mãn với cách làm đó thì sẽ bố mẹ sẽ bình tĩnh ngồi lại và phân tích cho bé hiểu tại sao bé yêu cầu của bé lại không được đáp ứng và sau đó bé sẽ trở nên ngoan ngoãn, nghe lời hơn. Giữ thái độ bình tĩnh, mềm mỏng nhưng cương quyết khi dạy con chính là bí kíp trong việc xây dựng tính cách tốt cho trẻ được các mẹ Mỹ áp dụng.

Ru con ngủ

Ru con đã trở thành nét văn hóa của phụ nữ Á Đông. Những bài hát ru nhẹ nhàng qua tiếng “à ơi” của mẹ đã đi cùng tuổi thơ của biết bao em bé Việt. Qua lời ru ngọt ngào, sâu lắng, mẹ đã đưa bé vào những giấc ngủ êm đềm, bình yên và giúp bé cảm nhận được hơi ấm và tình yêu thương vô bờ bến của mình. Với ý nghĩa sâu sắc như vậy, nhưng ru con lại trở thành nỗi ám ảnh của không ít người phụ nữ hiện đại. Việc bế ẵm, vỗ về và hát ru con trong một khoảng thời gian kéo dài có khi tới hàng giờ liền khiến các mẹ vốn đã bộn bề với công việc nay lại càng thêm mệt mỏi. Do đó, ngày nay, chúng ta không còn bắt gặp nhiều hình ảnh mẹ Việt hát ru con như trước kia nữa.

Mẹ Mỹ cũng vậy, không có khái niệm bồng bế và ru con ngủ, họ tạo thói quen cho bé tự ngủ hoặc cso thể cho bé nghe những bài nhạc cổ điển nhẹ nhàng, du dương thay vì tự mình hát ru con. Bố mẹ Mỹ muốn tạo cho bé tính tự lập và không còn phụ thuộc vào bố mẹ ngay từ khi còn rất nhỏ.

Việc dùng bỉm cho bé

Hàng năm, người Mỹ tiêu tốn một lượng tiền lớn vào việc mua bỉm cho trẻ. Cũng vì thế mà hoạt động sản xuất và kinh doanh bỉm trẻ em ở đây phát triển đến bất ngờ. Mẹ Mỹ sử dụng bỉm cho trẻ gần như 24/24 trong hầu hết khoảng thời gian trong ngày, cho đến khi bé khoảng 4 tuổi mới thôi.

Chúng ta không thể phủ nhận được lợi ích cũng như sự tiện lợi mà bỉm trẻ em mang lại, song việc mẹ Mỹ cho bé sử dụng trong thời gian quá lâu và liên tục lại không phải là cách hay để mẹ Việtt có thể học hỏi. Điều này không những khiến trẻ cảm thấy bức bối, khó chịu, dễ bị hăm mà còn tạo thói quen xấu cho trẻ, ảnh hưởng đến phản xạ tự nhiên của bé.

Nỗi sợ khi con tiếp xúc với môi trường bên ngoài

Mẹ Việt “cái gì cũng sợ” không dám để con ra nắng, ra gió hay hạn chế để con nghịch bẩn dễ sinh bệnh. Đôi khi nỗi sợ này giúp bảo vệ con một cách an toàn nhưng sự bao bọc cũng cần có giới hạn để con được khám phá thế giới xung quanh và phát triển tư duy cùng khả năng sáng tạo của mình.

Trẻ em Mỹ được cha mẹ đặc biệt khuyến khích trong việc thực hiện các hoạt động vui chơi ngoài trời và được thỏa sức vui chơi, vận động và làm điều mình muốn. Do đó, trẻ em ở đây thường có thể lực tốt và khỏe mạnh hơn rất nhiều.

Qua những so sánh trên, chúng ta có thể thấy cách nuôi dạy con cái của mỗi cha mẹ Á – Âu lại có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Hiểu được nhu cầu của các bé và biết phối hợp cách nuôi dạy trẻ thật linh hoạt sao cho phù hợp và đúng mực chính là chìa khóa để bạn mang đến cho con những điều tuyệt vời nhất. Hãy là những phụ huynh tinh tế để con được lớn lên trong một môi trường sống lành mạnh và có thể hoàn thiện nhân cách tốt nhất.
Dương

Mozano



Đăng ký nhận thông tin khuyến mại