Đang thực hiện
Tên đăng nhập
Mật khẩu
 
Quên mật khẩu
Tổng đài: 0936 320 777
0 Giỏ hàng của bạn
Vận chuyển toàn quốc

Tuyệt chiêu giúp con ham đọc sách của bố mẹ Mỹ

22/12/2018

Tuyệt chiêu giúp con ham đọc sách của bố mẹ Mỹ

Trong hành trình nuôi dạy con cái, cha mẹ Mỹ đặc biệt quan chú trọng đến việc nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách của trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Họ chọn cách giúp con làm bạn với sách như là chìa khóa để mở ra cánh cửa tâm hồn của bé và để con được phát triển tư duy cùng trí tưởng tượng phong phú của mình. Không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh từ người già, thanh thiếu niên cho đến trẻ em Mỹ đọc sách trên mỗi con đường ở đất nước của sự tự do. Vậy bạn có biết người Mỹ đã truyền lửa đam mê đọc sách cho trẻ như thế nào không? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

Tầm quan trọng của việc đọc sách đối với trẻ nhỏ

Giúp trẻ hoàn thiện nhân cách

Mỗi cuốn sách lại mang một giá trị nhân văn khác nhau, giúp truyền tải những thông điệp về giáo dục, tình yêu thương cùng những quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống để hướng con người đến với chân thiện mỹ. Tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ từ khi còn nhỏ sẽ giúp bé có cái nhìn tích cực hơn, biết thấu hiểu, biết chia sẻ với những người xung quanh và trở thành người con ngoan, người công dân có ích cho xã hội.

Kích thích khả năng sáng tạo cùng trí tưởng tượng phong phú của trẻ

Đọc sách thực chất là một quá trình tưởng tượng, liên tưởng đến các sự vật và hiện tượng trong cuộc sống thông qua chữ viết. Mỗi câu chữ với những lời lẽ mô tả mang tính tượng hình cao, gợi lên trong trí não của trẻ những hình ảnh sinh động đậm chất thực tế. Bằng cách đó, việc giữ thói quen đọc sách từ nhỏ đến lớn sẽ giúp trẻ phát huy được sức tưởng tượng cùng tính sáng tạo vô tận của mình.
 
Tuyệt chiêu giúp con ham đọc sách của bố mẹ Mỹ Ảnh 1

Phát triển ngôn ngữ và tăng kỹ năng giao tiếp

Được xem là cách mở rộng vốn từ vựng cho trẻ tối ưu nhất, đọc sách giúp trẻ được tiếp cận với nhiều cách sử dụng từ ngữ trong đa dạng lĩnh vực khác nhau. Đây cũng chính là một trong những lý do mà chúng ta thấy được sự hoạt ngôn của trẻ em Mỹ. Khả năng giao tiếp tốt từ việc đọc sách còn giúp trẻ tăng khả năng sử dụng những từ ngữ có tính thuyết phục và dễ dàng chiếm được thiện cảm từ người đối diện.

Mở rộng tư duy và phát triển khả năng phân tích

Không chỉ là sản phẩm tinh thần, sách còn chứa đựng những giá trị vật chất, mang đến cho trẻ nguồn tri thức bất tận của nhân loại. Kết tinh những hiểu biết và kinh nghiệm của thế hệ đi trước, sách sở hữu một lượng kiến thức khổng lồ và giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh để tiếp cận với nền văn minh cảu thế giới. Thông qua việc đọc sách, trẻ được rèn luyện lối tư duy khoa học, lô gic từ việc nhận biết rõ ràng giữa nguyên nhân, kết quả và có cách nhìn nhận đa chiều trước khi đánh giá một vấn đề. Nhờ đó mà qua việc đọc sách, trẻ có thể phát triển trí não cùng khả năng phân tích, lập luận vấn đề một cách sắc bén trong việc giải quyết các tình huống xảy ra.

Tăng khả năng tập trung

Hoạt động đọc giúp não bộ của trẻ luôn ở trong tình trạng tốt và làm tăng lượng chất xám để điều khiển tư duy. Vì vậy, đọc sách thường xuyên không chỉ giúp trẻ trở nên thông minh hơn mà nó còn hình thành cho bé tính tập trung cao độ mỗi khi làm một việc gì đó. Con sẽ chuyên tâm, không cảm thấy chán nản và luôn nỗ lực để đi đến cùng mỗi công việc. Bằng việc giúp cho trẻ có niềm đam mê đọc sách, bé sẽ học được cách tập trung và dễ dàng đạt được những thành quả trong học tập lẫn cuộc sống sau này.

Tạo cho trẻ tính kết nối với thế giới xung quanh

Việc làm bạn với sách vở đưa trẻ đến với những câu chuyện từ thế giới thần tiên cho đến thế giới thực gần gũi. Qua mỗi câu chuyện bé lại cảm nhận được những giá trị rất riêng và có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Việc liên tưởng và hóa thân vào từng nhân vật giúp trẻ có được sự thấu hiểu, đồng cảm và dễ kết nối với cộng đồng một cách tự nhiên.

Tìm hiểu cách người Mỹ giúp trẻ có niềm đam mê với đọc sách

Cho trẻ tiếp cận với sách từ khi còn sơ sinh

Việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ cần phải trải qua một quá trình lâu dài, liên tục và nên bắt đầu từ càng sớm càng tốt. Đợi đến khi trẻ bắt đầu biết nhận thức thì mới cho trẻ làm quen với sách là quan niệm không nhận được sự tán thành từ bố mẹ Mỹ.

Ngay từ khi mang bầu, mẹ Tây đã bắt đầu hình thành cho trẻ việc được nghe mẹ đọc sách mỗi ngày. Không chỉ để trẻ biết đến sự tồn tại của sách vở từ sớm mà đây còn là cách để mẹ Mỹ tiếp cận một cách gần gũi và thân mật với bé yêu, giúp con cảm nhận được hơi ấm từ giọng nói của mẹ qua những câu chuyện giàu cảm xúc. Hơn nữa, đọc sách cho thai nhi còn là phương thức hiệu quả giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ cùng trí thông minh ngay từ trong bụng mẹ và tạo cho trẻ kỹ năng tương tác khi chào đời. Do đó, với mẹ Tây, không bao giờ là quá sớm để cho trẻ tiếp cận với thói quen đọc sách.

Duy trì việc thường xuyên đọc sách cho trẻ

Truyền cảm hứng cho con qua những câu chuyện thú vị mà ba mẹ đọc từ những cuốn sách hay rất có ý nghĩa đối với sự phát triển tâm hồn của trẻ. Bố mẹ Mỹ đã tạo cho con thú vui được lắng nghe những câu chuyện sống động ấy bằng việc thường xuyên đọc sách cho con mỗi sáng và tối trước khi đi ngủ. Qua đó, họ cũng đồng thời dạy con những bài học quý giá trong cuộc sống và cách trở thành em bé ngoan như thế nào.

Việc duy trì thói quen đọc sách cho con vào những thời điểm nhất định trong ngày dần hình thành trong trẻ nếp sống khoa học. Đồng thời giúp bé được xây dựng lối suy nghĩ tích cực từ cách trò chuyện và chia sẻ của bố mẹ. Ngoài ra, đây cũng là cách để bố mẹ Mỹ nuôi dưỡng tuổi thơ của con bằng những kí ức thần tiên đầy lý thú.
 
Tuyệt chiêu giúp con ham đọc sách của bố mẹ Mỹ Ảnh 2

Tạo cho trẻ hứng thú đọc sách mỗi ngày

Ở mỗi không gian sống xung quanh trẻ, người Mỹ đều cố gắng tạo môi trường đọc sách thân thiện với trẻ. Nếu như trên trường có thư viện tạo không gian riêng cho trẻ đọc sách thì ở nhà, bố mẹ Mỹ cũng rất ý thức trong việc tạo không gian đọc sách độc đáo và bắt mắt cho trẻ ở ngay trong căn phòng của mình.

Bằng việc chọn những mẫu giường tầng kết hợp với giá sách vừa sáng tạo lại vô cùng tiện lợi hay những tủ sách đồ sộ với họa tiết trang trí đặc sắc, bố mẹ Mỹ đã giúp trẻ cảm thấy hào hứng hơn với hoạt động đọc sách mỗi khi chuẩn bị đi vào giấc ngủ ngon lành và sâu giấc. Sự góp mặt của những món đồ nội thất sinh động này đã trở thành hành trang trong suốt tuổi thơ của trẻ em Mỹ.

Bên cạnh đó, để tạo sự hứng thú cho trẻ để thấy sách vở không hề khô khan, cha mẹ Mỹ luôn tìm cách hiện thực hóa những câu chuyện đó. Từ những cách đơn giản như thay đổi ngữ điệu, điều chỉnh tông giọng theo từng giai thoại cho đến việc cùng các bé hóa thân vào từng nhân vật giúp trẻ tiếp cận với sách một cách gần gũi và tự nhiên. Đồng thời, qua đó, bé cũng dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ những bài học mà mỗi cuốn sách để lại.

Khi đến lớp, các bé cũng được các thầy cô truyền cảm hứng và niềm đam mê đọc sách qua những giờ ngoại khóa với việc đóng vai vào những vở kịch thú vị từ những cuốn truyện cổ tích hay cuốn sách trẻ thơ hấp dẫn. Ngoài ra, các bạn nhỏ ở Mỹ còn được giao bài tập là đọc sách ở nhà thay vì giải những bài toán khó hay các môn học xã hội nào khác. Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình và nhà trường mà mỗi trẻ em Mỹ đều được nâng cao tinh thần ham đọc sách với ý chí cầu tiến đáng ngưỡng mộ.

Khuyến khích trẻ đến thư viện đọc sách

Thư viện giống như ngôi nhà của ước mơ, nơi trẻ em đủ các lứa tuổi có thể đến và bắt đầu cuộc hành trình tưởng tượng và khám phá những điều mới lạ, những chân trời mới qua từng trang sách kỳ bí. Ngay từ khi còn bé, các bậc phụ huynh Mỹ đã thường xuyên đưa con đến thư viện
để tạo thói quen mượn sách và tra cứu tại thư viện. Các bé được khuyến khích đến thư viện và từ đó kích thích trong trẻ tình yêu đọc sách.
 
Tuyệt chiêu giúp con ham đọc sách của bố mẹ Mỹ Ảnh 3

Không chỉ gia đình mà nhà trường tại Mỹ cũng rất nỗ lực trong việc giúp trẻ có niềm đam mê đọc sách. Các chương trình học trên lớp được lồng ghép khéo léo những yêu cầu về tìm tòi, nghiên cứu để trẻ đến thư viện mượn sách về đọc hàng ngày. Từ phía mình, thư viện cũng rất chú trọng trong việc tổ chức các hoạt động đọc sách kết hợp với vui chơi giải trí để tạo sự hào hứng và thích thú cho trẻ mỗi khi tìm đến đây. Nhờ đó mà thư viện không chỉ là nơi đọc sách đơn thuần mà còn là không gian thư giãn cho các bạn nhỏ được thỏa sức vui đùa.

Được thiết kế sáng tạo và có tính giáo dục cao, thư viện ở Mỹ được đầu tư với quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu đến đọc sách của các em nhỏ trên cả nước. Từng loại sách được phân chia theo độ tuổi và lĩnh vực khác nhau để trẻ dễ dàng tìm kiếm cuốn sách phù hợp với nhu cầu của mình. Cùng với việc linh hoạt trong khung giờ hoạt động, thư viện có thể phục vụ trẻ trong hầu hết các khoảng thời gian và không ảnh hưởng đến công việc của bố mẹ.

Hạn chế cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử

Dưới sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là với siêu cường quốc số 1 thế giới như nước Mỹ, thì một điều đáng ngạc nhiên là trẻ nhỏ ở đây lại được cha mẹ giới hạn tối đa trong việc tiếp cận và sử dụng các thiết bị điện tử. Cùng với đó, các nhà giáo dục Mỹ đưa ra khuyến cáo về việc không cho trẻ em dưới 2 tuổi tiếp xúc với TV hoặc các thiết bị điện tử khác. Đồng thời, tùy theo từng cấp độ tuổi khác nhau mà đưa ra hạn mức tối đa cho trẻ được sử dụng các thiết bị này.

Thay vào đó, các gia đình có con nhỏ ở đây dành thời gian cho trẻ đến thư viện hay thực hiện đọc sách trong các không gian gần gũi với thiên nhiên để trẻ được phát triển một cách toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, việc hạn chế cho trẻ tiếp xúc với công nghệ sẽ giúp trẻ có hứng thú hơn với các hoạt động tập thể đồng thời tránh được những vấn đề về thị lực cũng như sức khỏe.

Để hình ảnh người bố mẹ ham đọc sách đi vào tiềm thức của con

Trẻ em giống như những trang giấy trắng và mỗi hành động, cử chỉ, lời nói của bố mẹ lại như một nét vẽ hình thành nên bức tranh về tính cách và con người của trẻ. Với khả năng quan sát và bắt chước bản năng của một đứa trẻ đang trong độ tuổi tò mò, thích khám phá thế giới, trẻ em dễ dàng học và làm theo nhất cử nhất động của người lớn. Do đó, yếu tố quan trọng có tác động to lớn đến sở thích đọc sách của trẻ lại đến từ chính tấm gương sáng mà bố mẹ xây dựng lên.

Những đứa trẻ Mỹ không chỉ thường xuyên được rèn luyện trong những môi trường đọc sách sinh động và lành mạnh mà chúng còn được truyền cảm hứng từ chính sự ham học hỏi và niềm yêu thích đọc sách từ cha mẹ của mình. Thay vì dành thời gian cho những món đồ công nghệ như điện thoại, Ipad, bố mẹ Mỹ thường xuyên đọc sách và trò chuyện với con mỗi ngày. Cùng nhau chia sẻ và tìm câu trả lời cho những thắc mắc đằng sau mỗi cuốn sách, cha mẹ và con cái trở nên hiểu nhau và thân thiết hơn, tình cảm gia đình cũng từ đó mà được vun đắp để mỗi ngày lại thu về thành quả là những trái ngọt.

Một cách vô thức, hình ảnh cha mẹ ham đọc sách cứ thế đi vào tâm trí của con và hình thành trong trẻ tinh thần đáng học hỏi ấy. Đó chính là bí kíp dạy con hiệu quả mà các bố mẹ Mỹ áp dụng.

Với những lợi ích vượt trội của việc đọc sách được chỉ ra ở trên cùng những chia sẻ bổ ích về cách người Mỹ giúp con yêu thích đọc sách, chắc hẳn bạn đã có được lời giải cho vấn đề cải thiện tình trạng lười đọc sách của bé yêu nhà mình rồi phải không nào. Chúc các bạn thành công trong việc tạo cho con thói quen đọc sách lành mạnh và học được những điều đáng trân quý của cuộc sống.
Dương

Mozano



Đăng ký nhận thông tin khuyến mại